14/09/2020 8:56 AM
Theo Sở TT&TT Hà Nội, có 3 nội dung mới trong Quyết định 17 của UBND Thành phố quy định về quản lý, xây dựng, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung và cải tạo, sắp xếp dây, cáp viễn thông đi nổi trên cột treo cáp.

Cần có quy định mới

UBND TP. Hà Nội mới đây đã ban hành Quyết định 17/2020/QĐ-UBND quy định về quản lý, xây dựng, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và cải tạo, sắp xếp đường dây, cáp viễn thông đi nổi trên cột treo cáp tại địa bàn.

Có hiệu lực từ ngày 15/9/2020, Quyết định 17 thay thế cho Quyết định 56/2009/QĐ-UBND ngày 27/3/2009 của UBND TP. Hà Nội ban hành quy định quản lý, xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị và cải tạo, sắp xếp lại các đường dây cáp đi nổi trên địa bàn Hà Nội; Quyết định 26/2014/QĐ-UBND ngày 23/6/2014 của UBND TP. Hà Nội về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định được ban hành kèm theo Quyết định 56.

Đại diện Phòng Bưu chính Viễn thông (Sở TT&TT Hà Nội) cho biết, Quyết định 17 khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông tham gia đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung. (Ảnh: tuoitrethudo.com.vn)

Trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, đơn vị trực tiếp soạn thảo, tham mưu cho lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội trình UBND Thành phố ban hành Quyết định 17 nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành quy định mới về quản lý, xây dựng, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và cải tạo, sắp xếp đường dây, cáp viễn thông đi nổi trên cột treo cáp trên địa bàn Hà Nội là cần thiết.

Bởi lẽ, sau hội nghị xúc tiến đầu tư hồi đầu tháng 6/2016, Thành phố đã chuyển đổi cơ chế đầu tư xây dựng và quản lý, duy trì, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung (cống cáp, hào và tuynel kỹ thuật) theo phương thức xã hội hóa. Trong quá trình triển khai còn một số bất cập như phạm vi, đối tượng áp dụng, phương thức quản lý đã thay đổi, không còn phù hợp.

Cùng với đó, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan cũng được sửa đổi, bổ sung như: Luật Xây dựng năm 2014; Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; Thông tư 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng; Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT ngày 30/12/2013 của liên bộ: Tài chính-Xây dựng-TT&TT hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung…

Những nội dung mới

Đề cập đến nội dung mới của Quyết định 17, ông Sỹ cho hay, Quyết định này bổ sung một số quy định liên quan công tác quản lý, đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, cải tạo, sắp xếp đường dây, cáp viễn thông đi nổi trên cột treo cáp bằng nguồn vốn doanh nghiệp. Việc này nhằm tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào phát triển của Thủ đô, đóng góp của doanh nghiệp cho xã hội góp phần cải thiện cảnh quan đô thị và tiết kiệm chi phí từ ngân sách nhà nước.

Quyết định 17 cũng bổ sung một số nội dung trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình, công tác nghiệm thu, bảo trì công trình và công tác quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong tổ chức thực hiện. Nội dung được bổ sung nhằm đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành và giấy phép thi công được cấp theo quy định tại Luật Xây dựng, Thông tư 15 ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng, Quyết định 20 ngày 24/6/2016 của UBND TP. Hà Nội.

“Điều này sẽ tăng cường trách nhiệm của các đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, các đơn vị quản lý hệ thống cột cũng như đơn vị, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thành phố”, ông Sỹ nói.

Bên cạnh đó, Quyết định 17 còn điều chỉnh một số nội dung về công tác lắp đặt dây, cáp viễn thông theo hướng chú trọng vào hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành. Với việc khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, các đơn vị đầu tư, quản lý công trình phải bố trí ưu tiên lắp đặt đường dây, cáp phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, công ích.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây hạ tầng dùng chung

Nói về ý nghĩa của việc ban hành Quyết định 17, đại diện Phòng Bưu chính Viễn thông, Sở TT&TT Hà Nội cho rằng, quy định mới sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và cải tạo, sắp xếp đường dây, cáp viễn thông đi nổi trên cột treo cáp; hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cấp, mở rộng phát triển mạng lưới viễn thông, phát triển hạ tầng phục vụ xây dựng Thành phố thông minh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Đồng thời, thống nhất về công tác quản lý, đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và cải tạo, sắp xếp đường dây, cáp viễn thông đi nổi trên cột treo cáp; thống nhất đầu mối trong quá trình triển khai cấp phép thi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung (cống bể, hào, tuynel kỹ thuật), giảm thủ tục hành chính về cấp phép.

Quyết định 17 được thực thi sẽ đảm bảo triển khai đồng bộ quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định 5800 ngày 22/8/2017: “Đảm bảo việc xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và cải tạo, sắp xếp đường dây, cáp viễn thông đi nổi trên địa bàn Hà Nội được triển khai theo quy hoạch, thực hiện đồng bộ, thống nhất với các đồ án quy hoạch chuyên ngành hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô và tuân thủ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành của ngành xây dựng, TT&TT”.

“Quyết định mới này cũng khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông tham gia đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung để hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông tại các tuyến phố theo hình thức xã hội hóa nhằm chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT tại Chỉ thị 52”, đại diện Phòng Bưu chính Viễn thông nhấn mạnh.

  • Phát triển giao thông Hà Nội: Tăng quỹ đất, định hình chiến lược đến năm 2030

    Phát triển giao thông Hà Nội: Tăng quỹ đất, định hình chiến lược đến năm 2030

    Với các chỉ tiêu đầu tư hạ tầng, phát triển quỹ đất dành cho giao thông, tăng sản lượng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đều có kết quả ấn tượng, trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành giao thông Thủ đô còn định hình chiến lược phát triển GTVT đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Tiền Phong trao đổi với Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện về các vấn đề này.

Vân Anh (VTCNews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.