31/08/2020 2:42 PM
Với các chỉ tiêu đầu tư hạ tầng, phát triển quỹ đất dành cho giao thông, tăng sản lượng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đều có kết quả ấn tượng, trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành giao thông Thủ đô còn định hình chiến lược phát triển GTVT đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Tiền Phong trao đổi với Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện về các vấn đề này.

Ðường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Ðông) vừa được Sở GTVT cải tạo, tổ chức lại giao thông đồng bộ Ảnh: T.Ðảng

Thêm hạ tầng, tăng quỹ đất giao thông

Thưa đồng chí, Sở GTVT vừa tổ chức Đại hội Đảng bộ, đồng chí cho biết những nội dung cơ bản ngành giao thông Thủ đô đã thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua?

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở GTVT Hà Nội đã tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội ban hành nhiều chương trình, nghị quyết nhằm giải quyết ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Trong đó phải kể đến Chương trình số 06-CTr/TU năm 2016 về việc “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020”; Nghị quyết số 06/2015/NQ-HĐND ngày 01/12/2015, Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017, Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019…

Từ các chương trình, nghị quyết này, Sở GTVT Hà Nội đã tập trung triển khai các nhiệm vụ theo 6 nhóm giải pháp cơ bản, bao gồm: Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), giảm phương tiện giao thông cá nhân; Bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông hợp lý linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức giao thông; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục về pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐB, từng bước xây dựng văn hóa giao thông; Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi pham trật tự về ATGT.

Đồng chí đề cập rõ nét hơn đến những kết quả cơ bản của những nhóm giải pháp trên?

Sau 5 năm thực hiện 6 nhóm giải pháp, đến nay giao thông Thủ đô đã đạt được các kết quả toàn diện. Cụ thể: Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị liên quan, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành nhiều công trình giao thông theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Tính đến hết năm 2020 dự kiến hoàn thành 148/214 dự án (tăng thêm khoảng 498 km đường giao thông); hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều tuyến, trục hướng tâm, như đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cầu vượt nút giao Cổ Linh; cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; Cầu vượt Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân; cầu vượt An Dương - Đường thanh niên; hoàn thiện kết nối một số đoạn tuyến còn lại của đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5 và vành đai 3...

Đã hoàn thành cải tạo, chỉnh trang một số tuyến phố như vành đai 3 đoạn Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng; vành đai 2 đoạn cầu Giấy - Ngã Tư Sở; Đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, Đường Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung(QL6)... Những kết quả trên đã góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, đặc biệt tăng được quỹ đất dành cho giao thông. Nếu năm 2015 quỹ đất đô thị dành cho giao thông đạt 8,65%, thì đến hết năm 2019, tỷ lệ này là 9,75%, tăng khoảng 0,3%/năm.

Công tác tổ chức, điều hành giao thông được thực hiện thường xuyên, đồng bộ. Từ 124 điểm ùn tắc trước năm 2015, sau khi Sở GTVT đã phối hợp với Công an Thành phố, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp, đến nay trên địa bàn thành phố còn 33 điểm ùn tắc giao thông (giảm 73%); chỉ đạo Thanh tra bố trí lực lượng tại 79 vị trí có nguy cơ ùn tắc để thực hiện nhiệm vụ phối hợp phân luồng, chống ùn tắc giao thông trong các giờ cao điểm, dịp lễ tết và các sự kiện chính trị, văn hóa diễn ra trên địa bàn thành phố.

Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt được quan tâm đầu tư, mạng lưới được mở rộng, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã mở mới được 28 tuyến buýt, đưa số lượng tuyến từ 110 tăng lên 127 tuyến vào năm 2020 (tăng 13,3%); đến nay buýt của Thành phố đã “phủ” đến 30/30 quận, huyện; sản lượng hành khách đi xe buýt hàng năm tăng bình quân 49,25 triệu lượt (khoảng 0,88%).

Điều chuyển thành 681 nốt/lượt của 26 tỉnh/thành phố đang hoạt động tại các bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát theo quy hoạch; công tác sát hạch cấp GPLX năm sau cao hơn năm trước, đến nay Sở GTVT đã cấp mới 900 nghìn bộ giấy phép lái xe; cấp đổi 500 nghìn giấy phép lái xe các loại. Công tác thanh tra hành chính, xử lý vi phạm giao thông được quan tâm, triển khai thường xuyên.

Hình thành chiến lược phát triển đến năm 2030

Để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nhiệm vụ trọng tâm của Sở GTVT Hà Nội thời gian tới là gì thưa đồng chí?

Sau nhiều nỗ lực, nhiệm kỳ vừa qua, ngành giao thông Thủ đô đã thực hiện được rất nhiều nhiệm vụ. Đến giờ phút này, những vấn đề cơ bản mang tính chiến lược về phát triển giao thông Thủ đô từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã cơ bản được định hình.

Tất cả đều được cụ thể bằng các chương trình, nghị quyết của Thành ủy, HĐND Thành phố. Theo đó, trong thời gian tới, các chương trình, nghị quyết, đặc biệt là dự thảo Nghị quyết đại hội Thành phố lần thứ XVII xác định, tiếp tục thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp. Trong đó, có điều chỉnh, mở rộng và tập trung vào một số nhóm giải pháp có tính đổi mới để tạo sự đột phá.

Các nhóm giải pháp này bao gồm: Đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông; Phát triển VTHKCC, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án các tuyến đường sắt đô thị; Tập trung thực hiện đề án giảm dần xe máy tiến tới dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030; Tổ chức giao thông linh hoạt, tăng cường lực lượng, hướng dẫn giao thông, giải quyết kịp thời ùn tắc giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, xử lý vi phạm giao thông - coi đây là giải pháp đột phá; Đưa công tác tuyên truyền về pháp luật giao thông vào các cấp trường học của thành phố - xem đây là hình tức đổi mới…

Riêng nhóm giải pháp: Tập trung thực hiện đề án giảm dần xe máy tiến tới dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030 với nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, có lộ trình thực hiện trong 5 đến 10 năm tới.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách, song tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố, của Sở GTVT và các đơn vị có quan liên quan, giao thông Thủ đô trong nhiệm kỳ tới, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ đạt được các chỉ tiêu ấn tượng mà dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII đề ra.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

"Mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách, song tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố, của Sở GTVT và các đơn vị có liên quan, giao thông Thủ đô trong nhiệm kỳ tới, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ đạt được các chỉ tiêu ấn tượng mà dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII đề ra".

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện

Ngã tư Giải Phóng - Pháp Vân một trong các nút ùn tắc vừa được Sở GTVT xử lý trong năm 2019. Ảnh: T.Ðảng

  • Hà Nội thông xe cầu vượt 560 tỉ đồng

    Hà Nội thông xe cầu vượt 560 tỉ đồng

    CafeLand - Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - đường Nguyễn Văn Huyên với tổng vốn đầu tư 560 tỉ đồng được chính thức thông xe vào sáng 28/8.

Anh Trọng (TPO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.