"Trên 100 tỷ đồng thì không sợ thiếu kinh phí thực hiện, song cái chính là biện pháp và quyết tâm", ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trao đổi với báo chí sáng 22/3.

Ông Nguyễn Khắc Thọ. Ảnh: PV.

- Hà Nội sắp giải tỏa hàng trăm nhà siêu mỏng, thành phố đã tính toán chi phí giải phóng mặt bằng là bao nhiêu?

- Hiện nay chưa tính được, riêng Ba Đình hoàn thành phương án dù chưa được thẩm định. Tại quận này theo ước tính để giải tỏa hơn 50 chục trường hợp cần tới 56 tỷ đồng và 12 căn hộ tái định cư.

- Như vậy, thành phố sẽ cần hàng trăm tỷ đồng để giải tỏa, ông có lo ngại thiếu nguồn lực để thực hiện?

- Trên 100 tỷ đồng thì không sợ thiếu kinh phí thực hiện, song cái chính là biện pháp và quyết tâm. Biện pháp hiện nay là mở hướng cho các gia đình tự thỏa thuận hợp khối. Khi thành phố quyết tâm thực hiện và đẩy mạnh tuyên truyền thì việc hợp khối thuận lợi hơn nhiều.

Ngoài ra, trong phương án sử dụng diện tích đất và nhà không đủ điều kiện xây dựng, khi các quận huyện lập quy hoạch chỉnh trang hai bên đường, sẽ xác định các ô đất sử dụng với mục đích gì, như để bán báo, bán hoa hay để xe công cộng... Những kiốt thiết kế mẫu này sẽ khuyến khích người dân làm theo, sử dụng đúng mục đích với lô đất siêu mỏng, siêu méo, nếu không đúng mục đích sẽ bị thu hồi.


Nhà siêu mỏng phổ biến trên nhiều tuyến đường mới mở ở Hà Nội. Ảnh: Tiến Dũng.

- Công tác giải tỏa thí điểm ở quận Thanh Xuân tính đến phương án đền bù căn hộ như thế nào?

- Quận Thanh Xuân được thành phố chỉ đạo điểm, các quận huyện khác đều phải đồng loạt triển khai. Giai đoạn đầu hiện mới tổng hợp, lên phương án, chưa tiến hành thu hồi trường hợp nào.

Thành phố đã giao Sở Tài nguyên Môi trường cùng Sở Tư pháp, Tài chính, Ban giải phóng mặt bằng nghiên cứu phương án đền bù cho người dân để dân đỡ thiệt thòi. Trong đó có cả phương án nếu chưa đủ điều kiện bố trí nhà tái định cư thì có thể vẫn giải quyết nhà tái định cư. Sở Xây dựng đã chuẩn bị quỹ nhà tái định cho dân.

- Ông có lo ngại người dân chây ỳ để hưởng mức hỗ trợ cao?

- Chuyện đó không ngại. Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết tâm, các sở ngành cùng vào cuộc, các quận huyện tập trung giải quyết vấn đề đó thì không ngại người dân chây ỳ. Lần này các cấp ngành đều vào cuộc thì tôi nghĩ người dân sẽ ý thức được việc đó. Tất nhiên trong quá trình thực hiện sẽ có chống đối song có lẽ sẽ hạn chế.

- Gần 200 trường hợp trong số 500 mảnh đất siêu mỏng siêu mỏng trên toàn thành phố chưa xác định được thời điểm thu hồi, việc này sẽ được giải quyết thế nào?

- Các quận huyện trong giai đoạn này đang được yêu cầu phân loại để hết tháng 3 kết thúc báo cáo gần 200 trường hợp này. Trên cơ sở đó sẽ có phương án xử lý thích hợp. Chúng tôi cũng yêu cầu trước khi xử lý, từng địa phương phải niêm yết danh sách nhà siêu mỏng siêu méo trên phương tiện thông tin đại chúng để tất cả người dân được biết và giám sát. Bởi vì có thể có trường hợp trong quá trình rà soát song chưa hết, tự người dân sẽ phát hiện.

- Giải quyết nhà siêu mỏng ở Đà Nẵng khá dễ dàng, Hà Nội đã học tập Đà Nẵng như thế nào?

- Tôi đã dẫn một đoàn cán bộ của Sở Xây dựng vào Đà Nẵng nghiên cứu. Ở Đà Nẵng giải quyết những vấn đề về đất đai thuận lợi hơn Hà Nội nhiều. Như Hà Nội thu hồi một m2 đất cũng phải có dự án, nhưng Đà Nẵng thì không cần thiết. Những mảnh không đủ điều kiện xây dựng thì thành phố có quyền thu hồi để phục vụ công cộng.

Cafeland.vn - Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland