06/05/2018 8:34 AM
Ngoài 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội đang xây dựng bằng vốn ODA, TP Hà Nội đang trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư 3 tuyến đường sắt đô thị mới Trần Hưng Đạo – Thượng Đình, Văn Cao – Hòa Lạc, ga Hà Nội – Hoàng Mai bằng nguồn vốn trong nước.
Tổng mức đầu tư 3 dự án mới khoảng 137.558 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đầu tư 41.630 tỷ đồng, vốn tư nhân huy động qua hình thức đổi đất lấy hạ tầng (BT) khoảng 95.928 tỷ đồng.
Đề xuất Vingroup thực hiện 2 tuyến
Nhà đầu tư duy nhất chính thức được thành phố Hà Nội đề xuất Thủ tướng chấp thuận đầu tư dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) tại thủ đô là Tập đoàn Vingroup. Theo đó, tập đoàn này được thành phố đề xuất đầu tư 2 dự án xây dựng tuyến ĐSĐT số 2 đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình, và dự án xây dựng tuyến ĐSĐT số 5 đoạn Văn Cao – Hòa Lạc.
Để thực hiện 2 dự án này trong giai đoạn 2018 - 2024, Vingroup phải tự huy động khoảng 66.188 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục nhà ga, depot, hầm, đường trên cao, đường đi bằng, và đường ray.
Nguồn vốn thành phố Hà Nội dự kiến huy động từ ngân sách để thực hiện tuyến ĐSĐT số 5, và tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình khoảng 28.491 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách thành phố sẽ tập trung đầu tư các hạng mục đền bù, hỗ trợ tái định cư, mua sắm đầu máy toa xe, trang thiết bị, hệ thống an toàn, an ninh, và chương trình quản lý vận hành 2 tuyến đường sắt.
Về quy mô đầu tư, tuyến ĐSĐT số 2 đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình, có chiều dài 5,6km, đi ngầm, có 6 ga ngầm. Điểm đầu của tuyến là ga C10 Trần Hưng Đạo, điểm cuối ga C16 Thượng Đình. Tổng mức đầu tư toàn tuyến khoảng 27.814 tỷ đồng. Việc đầu tư đoạn tuyến Trần Hưng Đạo – Thượng Đình sẽ kết nối đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo (tuyến số 2) với tuyến đường sắt số 2A Cát Linh – Hà Đông, tạo sự kết nối đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư.
Còn tuyến ĐSĐT số 5 đoạn Văn Cao – Hòa Lạc, chiều dài toàn tuyến 38,4km, trong đó có 8km đi ngầm, 2km đi trên cao, và 28,4km đi bằng mặt đất; bao gồm 21 ga, trong đó có 6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất, 1 ga trên cao; 2 khu depot được quy hoạch xây dựng tại xã Sơn Đồng (Hoài Đức), và xã Thạch Bình (Thạch Thất). Tổng mức đầu tư dự án dự kiến lên tới 66.865 tỷ đồng.
Tuyến ĐSĐT số 5 đoạn Văn Cao – Hòa Lạc kết nối trung tâm thành phố và khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, góp phần kết nối các khu đô thị, cụm công nghiệp, khu du lịch, và khu đại học quốc gia hiện tại và tương lai.
Chưa rõ nhà đầu tư xây dựng tuyến ga Hà Nội - Hoàng Mai
Cùng được thành phố Hà Nội trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2018 - 2025, nhưng tuyến ĐSĐT số 3 đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai đến nay vẫn chưa thể xác định được danh tính nhà đầu tư tư nhân thực hiện dự án. Trước mắt, thành phố Hà Nội đề xuất Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội là đơn vị lập đề xuất dự án.
Dự án xây dựng ĐSĐT đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai (nối dài đoạn tuyến Nhổn – ga Hà Nội) có chiều dài 8,7km, trong đó phần đi ngầm 8,13km, đoạn hầm hở dẫn vào depot dài 0,57km, có 7 ga ngầm. Điểm đầu của tuyến là ga S12 Quảng trường 1-5, điểm cuối ga giao với cầu cạn Pháp Vân, phường Yên Sở (Hoàng Mai).
Tổng mức đầu tư dự án 42.880 tỷ đồng, sau khi ngân hàng ADB rút khỏi cam kết tài trợ vốn cho dự án, thành phố Hà Nội dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư toàn bộ dự án. Tuy nhiên, trong tờ trình mới nhất gửi Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, thành phố Hà Nội chính thức trình Thủ tướng phương án đầu tư dự án theo BT, tuy nhiên danh tính nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án đến nay vẫn chưa rõ.
Chỉ biết, theo đề xuất của thành phố, dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2024, đưa vào vận hành khai thác thương mại năm 2025. Phần vốn ngân sách thành phố tham gia vào dự án khoảng 13.140 tỷ đồng, phần vốn nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án 29.740 tỷ đồng. Sau khi xây dựng, dự án ĐSĐT đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai sẽ kết nối các tuyến ĐSĐT số 3, số 1, số 2, số 4, và tuyến số 8 thành một mạng lưới xuyên suốt.
Được biết, trong chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tập đoàn T&T đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Bouygues về việc hợp tác đầu tư xây dựng tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn – Trôi – Phùng – vành đai 4 – thị xã Sơn Tây; 2 đoạn còn lại của tuyến ĐSĐT số 3 từ Nhổn – ga Hà Nội đang xây dựng bằng vốn vay ODA; còn lại đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai đến nay chưa rõ danh tính nhà đầu tư.
Nếu được Thủ tướng thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng 3 tuyến ĐSĐT, thành phố Hà Nội đề nghị Hội đồng Thẩm định nhà nước ưu tiên, xem xét, tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để bảo đảm tiến độ báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 6-2018.
Về phương án cân đối nguồn lực ưu tiên đầu tư 3 dự án ĐSĐT giai đoạn từ nay đến 2025, thành phố Hà Nội dự kiến huy động: 8.000 tỷ đồng từ tiết kiệm chi thường xuyên; 12.000 tỷ đồng từ tăng thu ngân sách; 18.000 – 20.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa DNNN 2016-2020; bán nhà ở chuyên dùng, trụ sở các sở, ngành sau khi sắp xếp tập trung tại 2 khu Vân Hồ, Võ Chí Công khoảng 8.000 tỷ đồng; đấu giá quyền sử dụng đất khoảng 70.000-80.000 tỷ đồng; phát hành trái phiếu thủ đô bổ sung thêm 20.000-25.000 tỷ đồng. Như vậy, thành phố Hà Nội dự kiến huy động khoảng 160.000 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án ĐSĐT trong những năm tới.
Đăng Tuân (SGĐTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.