Có mặt tại khu chung cư A7 mới thấy được vì sao người dân nơi đây lại gọi nó là chung cư “tử thần”. Chung cư được xây dựng từ năm 1984 với dãy nhà 5 tầng nhưng cả dãy nhà chỉ có một hành lang duy nhất đang được chống đỡ bởi các giàn giáo sắt đã hoen rỉ.
Ông Nguyễn Quang Gắng, Tổ trưởng tổ dân phố 15, phường Tân Mai, cho biết: “Toàn bộ hệ thống cầu thang, chiếu nghỉ đã hoàn toàn tách khỏi khối nhà, giàn giáo là bệ đỡ duy nhất. Tuy nhiên, sau gần 5 năm đưa vào chống đỡ thì giàn giáo đang có dấu hiệu bị cong và có thể gãy bất cứ lúc nào”.
Theo tay chỉ của ông Gắng, chúng tôi thấy nhìn rõ những vết rạn nứt thành khe ở hành lang, ở mái nhà, ở phần móng. Không những thế, khu nhà còn nghiêng hẳn về phía sau khiến phần móng bật vênh lên tách khỏi lan can tầng một tới gần 10cm. Đi bộ lối hành lang là những khối vữa rơi khắp nền nhà, chứng tỏ khu nhà vẫn hàng giờ, hàng ngày bị rạn nứt, xuống cấp.
“Khắp tòa nhà, các khối bê tông tách rời nhau ra tạo thành những khe hở có nơi tới cả chục cm, hệ thống thoát nước hoàn toàn bị tê liệt mấy năm nay và mỗi khi trời mưa nước mưa ngấm vào vách tường gây ra ngập lụt, đặc biệt ở tầng 5. Trong khi đó, hệ thống nước sạch thì cứ 2 năm phải sửa một lần vì phần bê bông rạn nứt kéo theo đường ống bị vỡ liên tục”, ông Gắng nói thêm.
Được biết, khu nhà này thuộc sự quản lý của Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà số 4 (Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội). Sau nhiều lần khảo sát, giám định và nhận được sự phản ánh của người dân, khu nhà mới được gia cố, sửa chữa một lần duy nhất vào năm 2010.
Theo sự đánh giá của cơ quan chuyên môn, độ xuống cấp của khu nhà A7 đang ở mức C (mức thấp nhất là mức D). Tuy nhiên, việc thẩm định này diễn ra từ năm 2010, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được thẩm định đánh giá lại, mặc dù mức độ xuống cấp của khu nhà ngày một rõ.
Được biết, hiện nay, toàn bộ nhà A7 có 58 hộ gia đình với hơn 200 người thì có 34 hộ có khả năng chuyển đi hoặc cho thuê lại căn hộ, nhưng 24 hộ còn lại thì không có điều kiện.
Đối với mức thu nhập của những người dân nơi đây mà chủ yếu là người già sống bằng lương hưu thì việc tự chi trả cho tu sửa lên đến hàng triệu đồng là con số không nhỏ. Vì vậy, từ mấy năm nay mặc cho nguy hiểm rình rập, hàng ngày chứng kiến những vết rạn nứt ngày một lớn trong căn hộ của mình thì họ cũng đành phải chấp nhận sống chung với “tử thần”.
Bệ đỡ và mái nhà cũng bị tách rời tạo vết nứt rộng.
Bà Nga, một người dân khu nhà A7 lo lắng: “Ở thì sợ sập mà đi thì không biết đi đâu. Biết rằng nhà nguy hiểm, nhưng người già chúng tôi không có tiền để sửa chữa đồng loạt. Bây giờ chúng tôi chỉ biết chờ đợi sự giải quyết, giúp đỡ từ chính quyền”.
Theo một văn bản vừa mới được Sở Xây dựng TP Hà Nội công bố vào tháng 2/2016, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 42 khu chung cư cũ cần di dời khẩn cấp trong đó có dãy nhà này. Nhưng quyết định này có khả thi hay không thì chưa thể nói trước được, bởi sau rất nhiều văn bản báo cáo, mới chỉ có 1% trên tổng số 1500 chung cư cũ được sửa chữa.
-
Một quận Hà Nội muốn xây 3 toà cao ốc trên nền 5 nhà tập thể cũ
Tối 6.3, UBND quận Ba Đình tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về phương án quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn cải tạo, xây dựng lại cụm nhà chung cư Thành Công gồm các tòa: G6A, G6B, G22, G23, G24 (phường Thành Công). Trong đó, toà G...
-
Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội để đẩy mạnh đầu tư chung cư cũ
Trong phiên thảo luận dự án Luật Thủ đô sửa đổi sáng 27.11, đại biểu Quốc hội cho rằng cần có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội để thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư vào các chung cư cũ ở Thủ đô hiện nay....
-
Những điều cần biết trước khi mua chung cư
Chung cư đang dần trở thành lựa chọn được nhiều người có nhu cầu định cư tại các thành phố lớn ưa chuộng, phần lớn vì mức giá phù hợp hơn so với việc mua nhà mặt đất. Do đó, số lượng dự án chung cư mọc lên ngày càng nhiều, và điều này cũng khiến nhiề...