02/11/2017 7:36 PM
Tại TP. Hà Nội, khá nhiều dự án bỏ hoang, trở thành “bãi đáp” lý tưởng để tập kết phế thải, rác thải. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Bãi đất trống khu vực chợ đồ cũ trên tuyến đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân luôn trong tình trạng chất đống các loại rác thải, phế thải tràn ra vỉa hè. Hoạt động đổ rác diễn ra ngang nhiên khi đã có biển cấm.

Đất dự án trên đường Nguyễn Xiển thành bãi tập kết rác
Ông Trần Tuấn Phong - phường Kim Giang, quận Thanh Xuân cho biết: Khu đất thuộc các dự án nằm giáp ranh giữa 2 quận Thanh Xuân và Hoàng Mai thường xuyên ngập tràn rác thải. Người dân mong mỏi chủ đầu tư lập hàng rào xung quanh khu đất chưa triển khai dự án để chống tình trạng tái lấn chiếm, ngăn chặn hiệu quả hành vi đổ trộm phế thải, rác thải.
Tình trạng tương tự đang diễn ra tại các quận huyện khác nơi có những khu đất chưa triển khai. Đơn cử như dự án khu nhà ở số 319 Bồ Đề, quận Long Biên, địa điểm được nhiều người đánh giá là khu đất vàng của Thủ đô, bởi có một vị trí đẹp lại nằm sát tuyến đường lớn Nguyễn Văn Cừ, có nhiều lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng... Tuy vậy, không hiểu vì lý do gì tại đây vẫn chỉ là một bãi đất trống cùng với hàng loạt các đống rác thải, phế thải lớn nhỏ.
Đối với khu đất trống phía trước khu đô thị Đền Lừ 2, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, hàng ngày tình trạng đổ trộm rác, phế thải vẫn thường xuyên diễn ra. Các loại túi nilon, rác sinh hoạt, vật dụng cũ, các loại bao tải vật liệu xây dựng, phế thải… nằm ngổn ngang, ngày mưa nước dâng lên chảy lênh láng, ngày nắng bụi bặm khó chịu, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của cư dân sống xung quanh.
Trong khi chính quyền thành phố đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng một thành phố xanh, sạch thì tại nhiều khu đất trống đang bị bức tử thành những bãi rác, phế thải bất đắc dĩ. Tình trạng này diễn ra một cách thường xuyên, mang tính phổ biến không chỉ phản ánh sự vô ý thức của một bộ phận người dân mà nó còn nói lên sự thiếu trách nhiệm trong việc quản lý của các đơn vị chủ đầu tư và cơ quan liên quan.
Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần có cơ chế phân định rõ trách nhiệm ngay khi giao đất cho chủ đầu tư. Đơn vị nhận đất phải có biện pháp quản lý, bảo vệ và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm minh đối với các trường hợp cố tình vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Huy An (TNMT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.