Ông Đỗ Văn Mưu và ông Hoàng Công Đổi đứng trước lô đất bị đòi thu hồi bằng QĐ hết hiệu lực thi hành. Ảnh: ĐỖ VĂN
Dự án treo… lâu năm
Trong thời gian gần đây, tòa soạn Báo Lao Động liên tục nhận được đơn kêu cứu của nhiều hộ gia đình thuộc tổ dân phố số 3 phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy về việc bị chính quyền quận rậm rịch đòi thu hồi đất cho một dự án đã treo… 13 năm nay.
Ông Đỗ Văn Mưu một trong các hộ dân cho biết: “Các hộ gia đình chúng tôi đã được cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) từ năm 1993. Thế nhưng kể từ khi TP. Hà Nội có QĐ thu hồi đất của chúng tôi và giao cho TCty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico) để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng tuyến đường và hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân (hiện nay là đường Lê Văn Lương) vào năm 2003, cuộc sống của các hộ dân chúng tôi gặp vô vàn khó khăn, nói không có người nghe, kêu không có người giải quyết”.
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, nhà đất của hộ gia đình ông Đỗ Văn Mưu thuộc khu đất được UBND huyện Từ Liêm phê duyệt quy hoạch từ năm 1989; UBND TP. Hà Nội cấp giấy phép xây dựng năm 1989 và cấp giấy chứng nhận QSD đất năm 1993.
Ngày 6.8.2002, UBND TP. Hà Nội có QĐ (số 112/2002/QĐ-UB) về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường phố Láng Hạ - Thanh Xuân tỉ lệ 1/500. Căn cứ vào QĐ 112, ngày 14.1.2003 UBND TP. Hà Nội ra QĐ 380/QĐ-UB thu hồi hơn 250.000m2 tại các phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy và tạm giao cho TCty Handico.
Sau đó 10 tháng, ngày 14.11.2003 UBND TP. Hà Nội có QĐ giao đất chính thức cho TCty Handico để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng tuyến đường và hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân (đường Lê Văn Lương).
Ông Hoàng Công Đổi - một trường hợp tương tự như ông Đỗ Văn Mưu cho biết: “Năm 2004 tuyến đường Lê Văn Lương hoàn thành xây dựng, TCty Handico không hề đả động gì đến việc thu hồi đất của chúng tôi để thực hiện dự án hai bên đường. Bẵng đi gần 9 năm, đến tháng 7.2011 UBND quận Cầu Giấy mới chính thức mời các hộ dân chúng tôi họp để triển khai thu hồi đất, giải phóng mặt bằng”.
QĐ thu hồi đất hết hiệu lực thi hành…
Theo tìm hiểu của PV, ngay trên website của Handico đến nay vẫn còn thông tin về việc thực hiện dự án xây dựng hạ tầng tuyến đường và hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân. Cụ thể, trong mục “Dự án đầu tư” của website cho thấy “Dự án ĐTXD đền bù và chuẩn bị mặt bằng để xây dựng tuyến đường và các ô đất hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân” có tổng diện tích 250.415m2, giá trị 297.568 triệu đồng có thời gian thực hiện từ 2003 - 2004; tiếp đó dự án này được đổi tên thành “Dự án xây dựng tuyến đường và hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân” có giá trị 250.415 triệu đồng thời gian thực hiện 2006 - 2008. Thông tin là như vậy, nhưng thực tế TCty Handico đã không làm gì để triển khai dự án xây dựng hai bên đường Lê Văn Lương…
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, với việc Handico không chịu thực hiện dự án, sau 3 năm QĐ 380/QĐ-UB thu hồi đất của UBND TP. Hà Nội đã hết hiệu lực thi hành theo quy định tại khoản 3, Điều 29 Luật Đất đai 2003.
Khoản 3, Điều 29 Luật Đất đai 2003 quy định: “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau ba năm không được thực hiện theo kế hoạch thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc huỷ bỏ và công bố”. Như vậy khiếu nại của các hộ dân về việc UBND quận Cầu Giấy căn cứ vào một QĐ thu hồi đất đã hết hiệu lực thi hành để tiếp tục thu hồi đất hợp pháp của các hộ dân tổ số 3 phường Trung Hòa là hoàn toàn có căn cứ.
Ông Hoàng Công Đổi cho biết: “Dự án nhà ở của chúng tôi thuộc quy hoạch đã được thành phố phê duyệt xây dựng, tại sao lại phê duyệt dự án khác đè lên dự án của chúng tôi. Nhà cửa đất đai của chúng tôi thuộc dự án đã được thành phố phê duyệt đã ổn định 23 năm nay, chúng tôi đề nghị chính quyền tôn trọng tuyệt đối quy hoạch đã được phê duyệt”.
-
Thu hồi đất để làm đường, cây trồng trên đất có được bồi thường?
Vườn nhà tôi rộng 2.300 m2, trong đó có 200m2 là đất ở còn lại là đất trồng cây lâu năm và ao nuôi cá.
-
Quản lý đất đai: Buông lỏng kỷ cương, chạy theo lợi nhuận doanh nghiệp
CafeLand - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc để xảy ra tình trạng vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai có sự tiếp tay của cá nhân, tổ chức. Việc xử lý sai phạm chưa dứt điểm gây hoài nghi trong dân....
-
Giá đất đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng: Vì sao thấp xa giá thị trường?
Việc áp giá thị trường khi bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) làm dự án đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, UBND các tỉnh, thành phố thường đưa ra mức giá thấp hơn giá thị trường khi thu hồi đất để thực hiện dự án. Việc này dẫ...