Tình trạng các công trình xây dựng ngang nhiên mọc lên không phép và sai phép vẫn đang từng ngày thách thức cơ quan chức năng và dư luận.

Khu "Điền viên thôn" với nhiều công trình sai phép vẫn đang tồn tại

Đầu tiên, có thể kể đến điểm nóng huyện Ba Vì khi mới đây, đoàn thành tra liên ngành của Hà Nội đã chỉ ra nhiều vi phạm về quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng tại khu đất Rừng Mu, thôn Chóng, khu Đồi Đá Bạc, xã Yên Bài.

Điểm nóng vi phạm

Cụ thể, tại khu Rừng Mu thuộc xã Yên Bài, một dự án mang tên "Điền viên thôn" với diện tích khoảng 4,89ha đã được chuyển nhượng cho một cá nhân, sau đó còn được phân thành 90 lô nhỏ và hiện có đến 57 lô nền được xây dựng nhà kiên cố trái phép.

Theo đó, các hoạt động trên đều không tuân thủ các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xây dựng công trình không xin phép.

Cũng theo kết luận thanh tra của Hà Nội, tại khu Đồi Đá Bạc thuộc xã Yên Bài, trên diện tích đất khoảng 3,81 ha đã có 27 căn biệt thự xây dựng nhà trái phép trên đất lâm nghiệp.

Bên cạnh huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây cũng là một điểm nóng về tình trạng xây dựng không phép, trái phép khi dư luận gần đây nóng lên với việc có đến hai dự án là G9 Resort và Resort Spa cây Bồ Đề ngang nhiên tiến hành san lấp hồ để xây dựng mà cơ quan quản lý chưa có biện pháp xử lý.

Các công trình sai phép tại Hồ Đồng Mô, Thị xã Sơn Tây

Một điểm nóng khác nữa là những sai phạm trật tư xây dựng tại huyện Sóc Sơn. Theo đó, đầu năm 2019, kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội đã chỉ ra chỉ riêng hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.

Không chỉ tại các huyện ngoại thành mà tại các quận trung tâm, tình trạng vi phạm quy định về xây dựng cũng diễn ra phổ biến khi vừa qua, người dân tại phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm đã rất bất bình khi một dự án bệnh viện có quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đang xây dựng phần thân lại chưa có giấy phép xây dựng.

Dẹp tiêu cực trong lĩnh vực xây dựng

Theo nhận định của ông Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì vấn nạn xây nhà trái phép, không phép ngang nhiên tồn tại nhiều năm qua ở TP. Hà Nội chủ yếu do sự buông lỏng của chính quyền một số quận, huyện và cơ sở trong thời gian dài, thậm chí có biểu hiện trù dập cán bộ khi phanh phui.

Tình trạng buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho các sai phạm như khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga mới đây về việc trong lĩnh vực xây dựng có tình trạng người dân đổ đống cát, đống gạch trước cửa là có người đến ngay nhưng những công trình lớn thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu, những người có thẩm quyền ở đâu đang là bài toán khó chờ đợi sẽ được giải quyết một cách thỏa đáng trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đang được Quốc hội bàn thảo.

Nhiều chuyên gia và nhà phân tích có chuyên môn trong lĩnh vực bất động sản thẳng thắn thừa nhận, hàng năm cơ quan quản lý thực hiện 80-90 cuộc thanh tra, kiểm tra với hàng trăm công trình nhưng số lượng dự án không phép, sai phép vẫn "nở rộ".

Bên cạnh việc chờ đợi sự điều chỉnh triệt để của Luật Xây dựng sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua trong thời gian tới thì trước mắt, để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm trật tự xây dựng cần một giải pháp đồng bộ từ nhiều phía.

Đối với người dân, việc chủ động tìm hiểu Luật Xây dựng hiện hành và các các quy định liên quan về quy hoạch, cấp phép xây dựng là rất cần thiết để thực hiện đúng trình tự thủ tục pháp lý sẽ giúp tránh được tình trạng vô tình vi phạm do chưa nắm được quy định.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, việc đầu tiên cần làm là thực hiện đúng, đủ các trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực của mình. Bên cạnh đó cũng tuyên truyền các quy định của pháp luật cũng như cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính liên quan để người dân không còn “ngại” mỗi khi xin cấp phép xây dựng.

Đối với các trường hợp cố tình tiếp tay cho sai phạm, theo ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, chính quyền các cấp của TP cần có các cơ chế điều chỉnh, ràng buộc để cán bộ công chức không dám vi phạm; khi vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng không e dè, vị nể.

"Chỉ khi nêu cao kỷ cương kỷ luật trong đội ngũ cán bộ công chức mới mong dẹp được nạn thỏa hiệp, tiêu cực trong lĩnh vực xây dựng" - ông Nghiêm khẳng định.

Lê Sáng (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.