Chờ đến giờ bốc thăm dự án NHS Phương Canh
Rầm rộ rao bán suất, sang tên
Khi thực hiện điều tra việc mua, bán suất (quyền mua) ở các dự án nhà ở xã hội, trong vai người mua nhà, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản liên tục nhận được lời mời gọi cho việc bỏ tiền mua suất.
Một nhân viên môi giới tên H. khi tiếp cận phóng viên cho biết, với dự án N07 Sài Đồng, giá “tù mù” có căn (không được chọn khoảng diện tích, bốc được căn có diện tích bao nhiêu thì nhận căn đó) và hoàn thiện hồ sơ là 60 triệu đồng. Trường hợp khách hàng muốn chọn căn, chi phí sẽ là 120 triệu đồng.
Cũng với dự án này, mức giá bán suất cũng được rao chênh nhau từ 10 - 20 triệu đồng/suất, tùy môi giới và sàn.
Còn với dự án IEC Tứ Hiệp, Thanh Trì, mức bán suất cho mỗi căn hộ vào khoảng tháng 6 được rao quanh mức 50 triệu đồng/căn. Các môi giới tập trung chào hàng cho các căn của tòa CT3. Tuy nhiên, đến giữa tháng 7, theo báo giá của nhân viên môi giới tên T., các căn số 12 của tầng 15; 16; 17 tòa CT3 đều có giá 80 triệu đồng/căn.
Dù phải bỏ tới hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng để mua suất, chọn căn, nhưng trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, vẫn có rất nhiều khách hàng phải chọn cách làm này.
Trực tiếp tham gia các buổi bốc thăm quyền mua mới thấy nhu cầu về nhà ở xã hội của người dân là rất lớn, có những dự án, tỷ lệ chọi lên tới 1/15, thậm chí hơn. Cầu lớn hơn cung, cùng với “bài toán chi phí” để có nhà vẫn đang là những lý do lớn khiến nhiều khách hàng chấp nhận bỏ tiền mua suất.
“Bài toán chi phí” ở đây đó là hiện các dự án nhà ở xã hội thường có mức giá dao động trên dưới 16 triệu đồng/m2, còn các căn thương mại trong cùng dự án có mức giá từ khoảng 20 - 22 triệu đồng/m2. Do đó, nếu tính cả chi phí mua suất, thậm chí cả chi phí chọn căn thì người mua vẫn có được nhà ở với mức rẻ hơn các căn thương mại. Cũng phải nói rằng, các căn thương mại tại dự án nhà ở xã hội vẫn có mức giá mềm hơn phân khúc chung cư bình dân phổ biến từ 6 - 8 giá (triệu đồng/m2). Ngoài ra, nhiều người mua nhà ở xã hội vẫn đang hy vọng nhiều vào các gói hỗ trợ của Chính phủ trong tương lai.
Khi thuyết phục phóng viên xuống tiền mua suất dự án N07 Sài Đồng, môi giới H. cho biết, giá nhà ở xã hội của dự án đang là 14,5 triệu đồng/m2 cả VAT, còn giá thương mại có thể chênh từ 4 - 6 giá, nên dù mất tiền mua suất vẫn có lợi hơn khi phải mua căn hộ thương mại. Môi giới này cũng khẳng định, về lý thuyết thì cứ được duyệt hồ sơ là khách hàng có cơ hội trúng. Nhưng trên thực tế, gần như chắc chắn bị trượt vì giai đoạn đó, quỹ căn có hạn, chủ yếu là các suất “ngoại giao”.
Sở Xây dựng “om” phản hồi về dự án NHS Phương Canh
Quay lại câu chuyện của dự án NHS Phương Canh, do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS là đại diện liên danh làm chủ đầu tư mà Báo Đầu tư Bất động sản đã đề cập ở số báo trước. Sau các thông tin phản ánh, phía chủ đầu tư và Sở Xây dựng Hà Nội đều đã có các thông tin phản hồi về việc mua bán suất tại dự án.
Theo đó, chủ đầu tư khẳng định, việc tiếp nhận hồ sơ cũng như xét duyệt, lựa chọn hồ sơ là do chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm thực hiện. Chủ đầu tư không liên kết với bất kỳ sàn phân phối nào để thực hiện việc bán hàng cũng như làm các thủ tục tiếp nhận hồ sơ. Khi tổ chức bốc thăm quyền mua, vị trí căn hộ chủ đầu tư thực hiện một cách minh bạch, đảm bảo quyền lợi của mọi khách hàng là như nhau. Chủ đầu tư khẳng định không thực hiện bất kỳ giao dịch nào thông qua các sàn phân phối trung gian, nên không thể biết được việc khách hàng nào đó phải mất chi phí thông qua sàn phân phối để được mua nhà ở xã hội hay nộp hồ sơ.
Các phiếu trượt tại dự án NHS Phương Canh có màu xanh, phiếu trúng có màu hồng
Còn với Sở Xây dựng Hà Nội, Báo Đầu tư Bất động sản đã đặt lên bàn lãnh đạo Sở nhiều vấn đề xung quanh nghi vấn mua bán suất tại dự án này. Cụ thể, phóng viên nêu ra các vấn đề: Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện công tác giám sát việc tiếp nhận, chấm điểm hồ sơ dự án nhà ở xã hội NHS Phương Canh như thế nào? Sở Xây dựng có nắm được các giao dịch mua bán quyền mua tại dự án và tình trạng cò mồi mời chào mua bán suất tại dự án? Trường hợp dự án nhà ở xã hội xảy ra các vi phạm liên quan đến mua bán quyền mua thì hình thức xử lý ra sao? Với các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, Sở Xây dựng gặp khó khăn gì trong công tác quản lý, giám sát? Đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ?
Tuy nhiên, trước các câu hỏi này, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội chỉ trích dẫn Nghị định, chứ không đưa ra câu trả lời với các vấn đề mà phóng viên đưa ra.
Cụ thể, phản hồi như sau: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 20, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP: chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt đối tượng và tự chịu trách nhiệm với kết quả thực hiện; Nghị định số 100/2015/NĐ-CP Điều 20 có trình tự cụ thể:
Chủ đầu tư gửi Sở Xây dựng Kế hoạch tiếp nhận hồ sơ mua, thuê, thuê mua để công khai trên cổng thông tin của sở Xây dựng Hà Nội; chủ đầu tư tiếp nhận và tổ chức xét duyệt hồ sơ; chủ đầu tư lập danh sách dự kiến gửi lên Sở Xây dựng để công khai trên website của Sở Xây dựng; Sở Xây dựng kiểm tra danh sách chủ đầu tư gửi lên rà soát trùng lặp; chủ đầu tư thực hiện ký hợp đồng với các đối tượng không trùng lặp; chủ đầu tư gửi Sở Xây dựng danh sách khách hàng ký hợp đồng để công khai trên website của Sở Xây dựng.
Như vậy, thay vì trả lời các câu hỏi của phóng viên, Sở Xây dựng Hà Nội lại viện dẫn Nghị định số 100. Cũng cần nói thêm, để có thể viện dẫn Nghị định này, Sở Xây dựng cần chuẩn bị đến 15 ngày.
Trước đó, khi Báo Đầu tư Bất động sản có loạt bài đề cập đến những bất thường tại dự án IEC Tứ Hiệp, Thanh Trì, Sở Xây dựng Hà Nội cũng có Văn bản 4807/SXD-QLN phản hồi ngày 12/6/2020. Tuy nhiên, cơ quan này đã không trả lời được những điểm chính là việc môi giới địa ốc quảng cáo, rao bán dự án nhà ở xã hội như nhà ở thương mại và thu tiền chênh lệch có đúng quy định không, mà chỉ thống kê các văn bản từ chủ đầu tư thông tin lại cho Báo. Sở Xây dựng vẫn chưa có thông tin kiểm tra hoạt động của chủ đầu tư, các sàn giao dịch, là những đối tượng trực tiếp mà báo phản ánh để thông tin đến cơ quan báo chí.
Nhìn nhận về vấn đề này, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, với chức năng quản lý về hoạt động kinh doanh bất động sản và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, có thể thấy, nếu Sở Xây dựng vẫn né tránh việc kiểm tra công ty, sàn môi giới bất động sản thì càng thêm lo ngại nhiều vấn đề khuất tất xung quanh việc bán nhà ở xã hội tại dự án này.
Báo Đầu tư Bất động sản sẽ tiếp tục thông tin.
-
Tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mua nhà ở xã hội trái phép
Theo quy định, nhà ở xã hội chỉ được giao dịch chuyển nhượng sau 5 năm nhưng tại một số tỉnh thành, tình trạng mua bán nhà ở xã hội khi chưa đủ điều kiện vẫn diễn ra tràn lan.
-
Xác nhận thu nhập cho lao động tự do muốn mua nhà ở xã hội thế nào?
Tôi là lao động tự do nên không có hợp đồng lao động. Khi tôi ra xã xác nhận điều kiện về thu nhập để đăng ký mua nhà ở xã hội thì xã không xác nhận với lý do, không có cơ sở để chứng minh thu nhập của tôi....
-
Nhà ở xã hội đã có Giấy chứng nhận nhưng chưa đủ 5 năm thì có được bán cho người khác?
Xin hỏi, mua nhà ở xã hội chưa đủ 5 năm, có Giấy chứng nhận thì có được bán cho người khác? Có phải nộp tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội sau thời hạn 5 năm?
-
Nhà ở xã hội có được dùng làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng?
Xin hỏi, đối tượng được mua NOXH thì có được dùng NOXH để thế chấp vay vốn ngân hàng?