04/05/2017 11:32 PM
Hiện nay việc cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở cho người nước ngoài khiến một số văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của các địa phương gặp không ít “lúng túng”.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 (gọi chung là Nghị định số 99/2015/NĐ-CP) thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở (nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư) tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại không thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định.

Từ khi có Luật Nhà ở 2014 đến nay đã có khoảng 549 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Theo quy định tại Điều 75, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương và thông báo cho UBND cấp tỉnh để UBND cấp tỉnh làm căn cứ chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở.

Tại Điều 76, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm công bố công khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở nằm trong khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở.

Như vậy, theo quy định của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì Bộ Quốc phòng và Bộ Công an là cơ quan có thẩm quyền xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng làm cơ sở để UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể các dự án không cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở.

Để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, ngày 06/9/2016, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1942/BXD-QLN gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề nghị 2 Bộ này công bố các khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP để UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương có cơ sở chỉ đạo Sở Xây dựng xác định các dự án xây dựng nhà ở không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở.

Tại Điều 78, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP đã có quy định cụ thể các trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở như mua nhà ở trong khu vực không thuộc diện được sở hữu theo quy định hoặc mua nhà ở vượt quá số lượng được sở hữu theo quy định…

Như vậy, pháp luật nhà ở đã có quy định cụ thể các trường hợp cá nhân người nước ngoài không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tại Việt Nam. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận phải có trách nhiệm xác định cụ thể các trường hợp cá nhân người nước ngoài đã mua nhà và đối chiếu với quy định nêu trên để xem xét, giải quyết.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã có văn bản thông báo gửi UBNDcác tỉnh, TP trực thuộc trung ương để thông báo các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Xây dựng, từ khi có Luật Nhà ở 2014 đến nay đã có khoảng 549 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi là giấy chứng nhận) cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam theo Luật Nhà ở.

Như vậy, hiện nay pháp luật về nhà ở đã có quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc xác định khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại từng địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng đã có thông báo cho các địa phương về các khu vực này.

Do đó, nếu hiện nay có vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người mua nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài với lý do chưa có hướng dẫn khoanh vùng khu vực dự án không được bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phải có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng để giải quyết. Nếu có vướng mắc thì phải báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà trước thời điểm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 19/2008/NQ-QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Theo quy định của Nghị quyết này thì cá nhân người nước ngoài chỉ được mua và sở hữu 01 căn hộ chung cư. Trường hợp mua vượt quá số lượng thì sẽ không được pháp luật thừa nhận. Như vậy, trong thời điểm này những trường hợp cá nhân người nước ngoài mua nhà ở không đúng quy định của Nghị quyết này như: không đúng về đối tượng, điều kiện hoặc vượt quá số lượng nhà ở được mua… thì không được Nhà nước công nhận và không được cấp Giấy chứng nhận.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cũng sẽ tiếp tục có văn bản gửi các địa phương để đôn đốc việc thực hiện các quy định liên quan đến quyền mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Quốc Bình (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.