14/04/2017 11:08 AM
Để chuẩn bị cho hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và NHNN với các NHTM trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TCTD trong hoạt động kinh doanh, NHNN Chi nhánh TPHCM đã có buổi trao đổi với đại diện các TCTD, qua đó những vấn đề liên quan thi hành án, tòa án, xử lý tài sản bảo đảm nợ vay để thu hồi nợ, đặc biệt tình trạng cho vay dễ khó đòi đang khiến nhiều nhà băng e dè trong cấp tín dụng.
“Đứng cho vay quỳ đòi nợ”
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, kể lại trường hợp 1 công ty vi phạm hoạt động tín dụng, SCB đã khởi kiện từ năm 2013 tại UBND quận 10, nhưng đến nay hồ sơ vẫn chưa đem ra xét xử. Lý do tài sản thế chấp là văn phòng cho thuê nên không thể mời những người đi thuê đến để xử lý vì họ không liên quan đến tranh chấp giữa NH và chủ đầu tư.
Do tòa không xét xử được nên khi phát sinh nợ xấu cũng không thể xử lý được. Theo ông Văn, điều này đang gây khó khăn cho NH trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu.
Nhiều NH cũng than phiền về khó khăn trong xử lý tài sản bảo đảm. Ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng giám đốc ACB, cho biết việc tài sản thế chấp là vấn đề rất vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xử lý tài sản bảo đảm nợ vay và thu hồi nợ của các TCTD. Đại diện Agribank chi nhánh TPHCM cho biết thời gian kê biên xử lý tài sản thế chấp của cơ quan thi hành án quá lâu.
Thậm chí có hồ sơ của NH từ 1-2 năm vẫn chưa thể hoàn tất. Một số đơn vị khác cũng phản ánh về tình trạng tòa án không nhận đơn kiện của TCTD khi không xác định được nơi cư trú, nơi hoạt động của khách hàng vay nợ/bên bảo lãnh do khách hàng thay đổi nơi cư trú nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.
Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM, những vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay phổ biến hiện nay là thủ tục để đem tài sản ra bán đấu giá phải trải qua nhiều giai đoạn, thời gian kéo dài so với quy định như thủ tục xác minh tài sản, cưỡng chế tài sản, xác định ranh, đo vẽ lại và thẩm định giá tài sản.
Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 53/2013/NĐ-CP quy định VAMC được kế thừa “quyền và nghĩa vụ tố tụng của TCTD bán nợ”, nhưng đến nay Tòa án Nhân dân Tối cao chưa có văn bản hướng dẫn nên tòa án các địa phương còn lúng túng trong việc áp dụng.
Thí dụ, đối với khoản nợ đã bán cho VAMC, tòa án yêu cầu NH rút đơn khởi kiện và VAMC phải khởi kiện lại với tư cách nguyên đơn, mất nhiều thời gian và chi phí cho NH. Hay một số trường hợp, các bản án, các quyết định đã công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nêu rõ khách hàng không trả nợ theo đúng thời hạn, cơ quan thi hành án có quyền tiến hành phát mãi tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, cơ quan thi hành án vẫn yêu cầu các bên thỏa thuận lại thời hạn trả nợ và cho khách hàng gia hạn, dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồ nợ bị kéo dài.
Kiến nghị TP hỗ trợ đẩy nhanh xử lý
Trước tình hình thực tế, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, đưa ra kiến nghị cần đầu tư trang thiết bị và các ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian đăng ký giao dịch bảo đảm. Đặc biệt, với tình hình quá tải nên cho phép những khoản vay phát sinh nợ xấu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng nên để NH đưa qua trọng tài kinh tế giải quyết để giảm tải cho tòa án quận/huyện, đồng thời tăng tốc độ xử lý nợ của NH.
Với trường hợp phải đưa ra tòa án, nên cho các NHTM được phép tự lựa chọn tòa án trong phạm vi TP để xử lý vụ việc.
Trong khi đó, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Sacombank, cho biết đã kiến nghị NHNN xem xét có quy định cơ chế về xử lý nợ thông qua hình thức chuyển nợ thành vốn góp. Hiện nay hình thức này đã thực hiện ở một số đơn vị nhưng phải lập đề án trình Nhà nước xem xét và hành lang pháp lý vẫn chưa có. Do vậy có thể đối với những thương vụ quy mô không lớn để các TCTD chủ động xử lý.
Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến, kiến nghị từ các đại diện NHTM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định NH là một trong 9 ngành mũi nhọn của TP. TP đang khởi sướng và đi đầu cả nước trong việc xây dựng NH 4.0, có khả năng đáp ứng tốt nhất với xu hướng toàn cầu hóa. Theo đó, chính quyền TP sẽ xây dựng niềm tin cho các TCTD. Đây là yếu tố quan trọng để khơi thông các nguồn lực trong Nhân dân.
Vướng mắc trong xử lý nợ xấu của các TCTD đang ảnh hưởng đến chủ trương gia tăng cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền. NHNN đang tiến hành soạn thảo trình Chính phủ để trình lên Quốc hội sửa đổi cơ chế pháp lý nhằm xử lý nợ xấu nhanh hơn hơn.
Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN
Chủ đề: Nợ xấu ngân hàng
  • VietinBank rao bán tài sản trăm tỷ thu hồi nợ xấu

    VietinBank rao bán tài sản trăm tỷ thu hồi nợ xấu

    CafeLand – Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Bắc Sài Gòn (VietinBank Bắc Sài Gòn) thông báo bán khoản nợ có Tài sản bảo đảm khách hàng là Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại dịch vụ (TNHH SX TM DV) Kim Kim Dung.

  • Ngân hàng đương đầu với dịch Covid-19: Nỗi lo nợ xấu gia tăng

    Ngân hàng đương đầu với dịch Covid-19: Nỗi lo nợ xấu gia tăng

    Trong năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm hơn so với năm 2018. Đây là tiền đề đáng mừng để ngành ngân hàng “thênh thang” bước vào năm 2020. Tuy nhiên, với tình hình dich bệnh phức tạp cũng như sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu, nỗi lo nợ xấu gia tăng lại trở về với ngành ngân hàng.

Minh Xuân (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.