30/07/2010 5:03 AM
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ vài sửa đổi bổ sung liên quan đến quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo đó, những vướng mắc của Việt kiều sẽ được giải quyết.

Gỡ rối cho Việt kiều trong việc mua nhà ở
Việt kiều mua nhà vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ (ảnh minh họa: VTC News)

Mặc dù theo điều 126 của Luật Nhà ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bà con Việt kiều phản ánh là vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc mua và sở hữu nhà tại quê hương.

Nguyên nhân là do Nghị định số 90/2006/NĐ-CP không quy định cụ thể các đối tượng Việt kiều được phép mua và sở hữu nhà; mà lại giao cho Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an có văn bản hướng dẫn. Nhưng đến nay hai Bộ này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn.

Bởi vậy, để tạo điều kiện cho bà con Vviệt kiều có cơ hội mua nhà ở tại Việt Nam, Bộ Xây dựng đã đề nghị sửa đổi lại như sau:

Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người mang hộ chiếu nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam) thì được sở hữu nhà ở như người Việt Nam ở trong nước (không hạn chế về số lượng nhà ở được sở hữu).

Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người gốc Việt Nam nếu thuộc các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật Nhà ở thì được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như người Việt Nam ở trong nước.

Trong trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người gốc Việt Nam không thuộc các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật Nhà ở thì chỉ được sở hữu một nhà ở (một nhà ở hoặc một căn hộ).

Đồng thời với việc sửa đổi nội dung nêu trên, Bộ Xây dựng cũng đề nghị cần quy định rõ các loại giấy tờ để chứng minh đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm cơ sở để bà con Việt kiều gặp thuận lợi trong việc thực hiện, cụ thể như sau:

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là người mang hộ chiếu của Việt Nam.

Người mang hộ chiếu nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam là người mang hộ chiếu nước ngoài kèm theo một trong các giấy tờ sau đây: Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận đăng ký công dân, bản sao trích lục Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, bản sao trích lục Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài gốc Việt Nam là người mang hộ chiếu nước ngoài kèm theo một trong các loại giấy tờ sau đây: Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận gốc Việt Nam hoặc các giấy tờ cũ chứng minh có quốc tịch Việt Nam của bản thân mình hoặc của một trong những người là cha đẻ, mẹ đẻ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại....

Nếu người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở hoặc nhận quyền sử dụng đất trong các dự án để tự tổ chức xây dựng nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì chỉ cần có bản sao Quyết định phê duyệt dự án hoặc Giấy chứng nhận đầu tư kèm theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về thời hạn cư trú tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Bộ Xây dựng đề nghị quy định cụ thể trường hợp này vào dự thảo Nghị định lần này như sau:

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài gốc Việt Nam nếu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật Nhà ở mà đã về Việt Nam và có thời hạn cư trú ghi trong hộ chiếu hoặc trong giấy tờ nhập xuất cảnh từ 06 tháng trở lên hoặc được cấp Giấy miễn thị thực theo quy định của pháp luật thì được sở hữu 01 nhà ở (nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ).

Điều 126 - Luật Nhà ở quy định

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp với đất nước, nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước, người được phép về sống ổn định tại Việt Nam và các đối tượng khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều này đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ sáu tháng trở lên được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ.

Cafeland.vn- Theo Dân Trí

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland