Global Witness là một tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường có trụ sở ở London và Washington. Global Witness được cho là có sự tài trợ của George Soros, nhà tỷ phú nổi tiếng với các thương vụ đầu cơ.
Điểm đáng chú ý trong báo cáo lần này của Global Witness là nhận định, Hoàng Anh Gia Lai đang đem tới một mối rủi ro về tài chính và uy tín cho các nhà đầu tư của công ty, bao gồm ngân hàng Deutsche Bank của Dức và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC). Global Witness đồng thời cũng khuyến nghị các nhà đầu tư thoái vốn khỏi Hoàng Anh Gia Lai.
Nhìn lại diễn biến của vụ việc, đưa ra một báo cáo điều tra với tựa đề “Rubber Barons” (tạm dịch: “Những ông trùm cao su”) trong đó cho rằng, các khu rừng trồng cao su của Hoàng Anh Gia Lai ở Campuchia và Lào đã gây ra những thiệt hại lớn về mặt xã hội vào môi trường, bao gồm lấy đất đai của các cộng đồng địa phương và phá bỏ những diện tích lớn rừng tự nhiên. Theo báo cáo ngày 14/11 của Global Witness, mặc dù Hoàng Anh Gia Lai “đã cam kết giải quyết những vấn đề cấp bách này, nhưng đến nay hầu như vẫn chưa có bằng chứng cho thấy có bất kỳ sự thay đổi nào ở nơi diễn ra sự việc”.
“Hoàng Anh Gia Lai rất giỏi đưa ra các cam kết, nhưng rất kém trong việc giữ lời hứa. Công ty đã liên tục nói với chúng tôi và những người khác là sẽ nghiêm túc thay đổi cách thức làm việc, nhưng các bằng chứng thực tế cho thấy, việc đốn gỗ vẫn tiếp diễn và những người dân mất đất nông nghiệp vẫn đang phải vật lộn để kiểm sống”, bà Megan MacInnes, một thành viên của Global Witness nói.
Cũng theo bản báo cáo, Global Witness đã cho Hoàng Anh Gia Lai và các nhà đầu tư của công ty này thời gian 6 tháng để giải quyết các vấn đề được đề cập trong báo cáo Rubber Barons. Báo cáo cho hay, sau cuộc họp đầu tiên với Global Witness vào tháng 6, Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố sẽ có 4 tháng ngừng phá rừng và trồng cao su tại các khu vực đã thuê đất, đồng thời nhất trí sẽ tới thăm tất cả các khu làng bị ảnh hưởng để thảo luận và giải quyết những vấn đề mà người dân địa phương đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, theo báo cáo, vào tháng 8 vừa qua, Global Witness đã phỏng vấn người dân ở 7 khu làng xung quanh các khu vực Hoàng Anh Gia Lai thuê đất ở Campuchia. Tại 3 trong số 7 khu làng này, người dân nói rằng Hoàng Anh Gia Lai vẫn chưa tới thăm làng của họ, còn ở 4 khu làng còn lại, người dân nói là lãnh đạo của Hoàng Anh Gia Lai từ chối thảo luận vấn đề tranh chấp đất đai hoặc rừng. Tại 6 trong số 7 khu làng này, người dân nói rằng, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục đốn gỗ tại và xung quanh các khu rừng trồng cao su của công ty trong thời gian mà công ty cam kết là dừng các hoạt động này.
Báo cáo của Global Witness nói, những phân tích độc lập về hình ảnh vệ tinh chụp trong tháng 7-8 khu vực rừng trong các diện tích mà Hoàng Anh thuê đất cũng cho thấy rừng tiếp tục bị phá.
Theo bản báo cáo, trong cuộc họp thứ hai với Global Witness vào tháng 9, Hoàng Anh Gia Lai nhất trí kiểm toán độc lập các khu rừng trồng cao su của công ty này để giải quyết các vấn đề gây lo ngại. Tuy nhiên, Global Witness cho rằng, Hoàng Anh Gia Lai đã không thực hiện cam kết này, mà thay vào đó quyết định tập trung vào “các chương trình xã hội” - một động thái được Global Witness xem là không hơn gì PR.
“Tháng 11 đánh dấu sự kết thúc thời hạn 6 tháng để Hoàng Anh Gia Lai giải quyết vấn đề. Sự thiếu hành động của Hoàng Anh Gia Lai đến nay khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kết luận rằng, công ty này không hề chú trọng tới những vấn đề này hay trách nhiệm của họ”, bà Megan MacInnes nói.
“Người dân làng đang chịu đựng mỗi ngày trước những ảnh hưởng từ hoạt động của Hoàng Anh Gia Lai nhận thức rất rõ về những rủi ro xã hội và môi trường mà công ty này gây ra. Chúng tôi thiết nghĩ, các nhà đầu tư cũng nên quan tâm, và vì vậy nên thoái vốn”.
Global Witness cũng cho biết, khi được tổ chức này đặt câu hỏi vào ngày 13/11/2013, Hoàng Anh Gia Lai đã bác bỏ việc mình không hành động. Theo báo cáo, Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố đã tạo việc làm và thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội (bao gồm làm đường, xây nhà cửa và bệnh viện), nhưng mùa mưa và cuộc bầu cử ở Campuchia ngăn khiến công ty khó tiếp cận các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng.
Báo cáo của Global Witness cũng nói rằng, Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố đã thực hiện việc ngừng phá rừng như ca kết , đồng thời cho rằng, những hình ảnh vệ tinh mà Global Witness đưa ra là không đáng tin cậy. Ngoài ra, Hoàng Anh Gia Lai cho biết sẽ “tìm một công ty tư vấn độc lập để giúp Hoàng Anh Gia Lai thực hiện nghiên cứu và đưa ra lời khuyên cho Hoàng Anh Gia Lai cải thiện các vấn đề liên quan tới cộng đồng dân cư” nhưng các nhà tư vấn độc lập phải được tháp tùng bởi nhân viên của Hoàng Anh Gia Lai để “đảm bảo sự độc lập của các nhà tư vấn trong các phát hiện của họ”.
Ngoài Hoàng Anh Gia Lai, một công ty của Việt Nam khác bị báo cáo Rubber Barons của Global Witness đề cập là Tập đoàn Cao su Việt Nam. Theo báo cáo của Global Witness, hiện tổ chức này và Tập đoàn Cao su Việt Nam vẫn đang tiếp tục đàm phán.
Global Witness là một tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường có trụ sở ở London và Washington. Global Witness được cho là có sự tài trợ của George Soros, nhà tỷ phú nổi tiếng với các thương vụ đầu cơ.
Vụ “lùm xùm” giữa Hoàng Anh Gia Lai với Global Witness đã bị đưa ra dư luận từ tháng 5, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết xong. Vụ việc này một lần nữa cho thấy HAGL hay gặp rắc rối với các tổ chức nước ngoài. Trước đây, HAGL đã từng liên tục bị các hãng đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới là Standard&Poor’s và Fitch liên tục đưa ra các cảnh báo xấu, hạ bậc tín nhiệm.
Đến tháng 10 năm ngoái, Standard&Poor’s bất ngờ tuyên bố rút lại đánh giá tín nhiệm HAGL theo yêu cầu của công ty này. Sau đó, Fitch cũng tuyên bố thôi đánh giá HAGL vì không có đủ thông tin. Đến nay, HAGL không còn “bị” tổ chức đánh giá tín nhiệm nào đánh giá nữa, nhưng vẫn bị Global Witness “bám đuổi” quyết liệt.