17/05/2013 10:07 AM
CafeLand – Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bị cáo buộc phá rừng là tâm điểm chú ý trong mấy ngày vừa qua, CafeLand sẽ điểm lại những thông tin liên quan đến vụ việc.

Khởi nguồn vụ việc là cáo buộc của Global Witness

Bản báo cáo đăng trên trang chủ của Global Witness

Ngày 13/5, tổ chức Global Witness (tổ chức Nhân chứng toàn cầu) công bố bảng báo cáo mang tên Rubber Barons (tạm dịch là Những ông vua cao su). Bản báo cáo bao gồm 51 trang phân tích và clip kèm theo. Trong đó, tổ chức trên đã chỉ đích danh hai công ty Việt Nam là HAGL và Tập đoàn công nghiệp cao su đang tham gia vào nhiều hoạt động phá rừng, chiếm đất tại Lào và Campuchia. Những quan điểm của Global Witness trong bản báo cáo bao gồm các ý chính: Hai công ty Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn công nghiệp cao su đã được phân bổ tổng cộng hơn 280.000 ha đất (trong đó 161.344 ha ở Campuchia, phần còn lại ở Lào) để dựng đồn điền cao su, HAGL được phân bố hơn 80.000 ha. Hai tập đoàn có những mối quan hệ chặt chẽ cả với tầng lớp lãnh đạo chính trị tham nhũng và giới tài phiệt tại hai nước. Chính điều này là lá chắn để hai tập đoàn không bị xử lý khi vi phạm luật pháp. Những người sống trên các khu đất được giao lại cho các công ty Việt Nam đã bị đuổi ra khỏi nhà mà không được bồi thường thỏa đáng hoặc không được bồi thường chút nào. Hai công ty đã gây ra những hủy hoại về môi trường và xã hội. Sau khi được nhượng đất để trồng cao su, họ phá rừng và vận chuyển gỗ về Việt Nam, đồng thời lấn ra khỏi khu vực được nhượng đất. Dân địa phương phải đối mặt với sự nghèo đói vì mất rừng, mất đất trồng lúa. Với những cáo buộc trên, tổ chức này khuyến cáo chính phủ hai nước Lào và Campuchia phải ngừng ngay mọi hoạt động liên quan đến hai công ty và cho điều tra để xử lý tất cả những hoạt động trái pháp luật được phát hiện. Đồng thời tổ chức này lên án Deutsche Bank và IFC đã tài trợ tài chính cho những hoạt động của hai công ty Việt Nam tại Lào và Campuchia.

Một ngày sau, 14/5, ông Đoàn Nguyên Đức đã có động thái phản ứng rất quyết liệt, phủ nhận toàn bộ nội dung bản báo cáo, tuyên bố bản báo cáo là vô giá trị và cho rằng cái báo cáo “rất quái ác, rất thâm hiểm”.

Sáng 14/5, cổ phiếu của HAGL bị mất 1.400 đồng/cp, còn 21.400 đồng/cp, xấp xỉ 6% giá trị bị rớt xuống. Tài sản trên sàn của ông Đoàn Nguyên Đức bỗng chốc biến mất 436,25 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến sáng hôm nay thì đã phục hồi nhẹ, tăng lên mức 21.900 đồng/cp.

Ý kiến của những bên liên quan

Bầu Đức đã có những phản ứng hết sức quyết liệt. Ảnh minh họa.

Ông Đoàn Nguyên Đức đã có những phản hồi quyết liệt về bản báo cáo. Về diện tích đất, ông cho biết tại Campuchia, HAGL có 3 công ty con và chỉ có 30.000 ha (mới chỉ khai thác khoảng 10.000 ha) chứ không phải là 47.000 ha như trong bản báo cáo. Ông không đề cập đến diện tích cao su tại Lào. Về cáo buộc phá rừng lấy gỗ, ông khẳng định “HAGL không lấy một cây gỗ nào của hai quốc gia này” và “chưa bao giờ có một xe gỗ nào trên đường”. Gỗ là do chính phủ đốn, và mặc dù HAGL có thể mua được nhưng đã không mua. Ông cũng cho rằng HAGL tạo hơn 20.000 việc làm cho người dân hai nước, góp phần cải thiện điều kiện sống và tạo thu nhập cho người dân hai nước, bản báo cáo đã nói ngược khi nói về những đóng góp của HAGL cho người dân địa phương.

Ông nói rằng cáo buộc HAGL đưa hối lộ cho quan chức hai nước này là vô cùng vô lý và bịa đặt trắng trợn, cần có bằng chứng rõ ràng. HAGL sẵn sàng hợp tác với bất kỳ tổ chức nào để điều tra việc này. Đây là một hành động thể hiện sự coi thường chính phủ hai nước. HAGL hoàn toàn tuân thủ luật pháp khi đầu tư tại hai nước. Ông cho rằng những cáo buộc là bịa đặt trắng trợn và vô căn cứ. Ông cũng cho rằng tổ chức Global Witness thiếu hợp tác và công kích HAGL vì muốn tạo tên tuổi, xin tài trợ.

Cũng là nhân vật chính, nhưng Tổng công ty cao su chưa có động thái đáp trả nào. Hiện tại, mọi mũi dùi dư luận đều tập trung vào HAGL.

Về phần mình, bà Megan MacInnes (Global Witness) cho biết tổ chức này rất tự tin vào những bằng chứng ở Lào và Campuchia, Hoàng Anh Gia Lai đang có những hoạt động không tuân thủ luật pháp của hai nước Campuchia và Lào. Bà cũng cho biết sự trợ giúp công ăn việc làm tại địa phương cũng như cung cấp những phương tiện đặc biệt, những dự án nhằm giúp trường học đã không đúng như những gì mà người dân địa phương nói với Global Witness. Người dân không hề cảm thấy hài lòng với tình trạng làm việc hiện nay của họ đối với HAGL. Bà cũng cho biết là Global Witness sẽ đến Việt Nam trong đầu tháng 6 để làm rõ những cáo buộc liên quan.

Hai tổ chức tài chính liên quan tỏ rõ thái độ muốn tránh rắc rối khi phủ nhận sự liên quan. Deutsche Bank nói họ không trực tiếp cung cấp tài chính cho hai công ty được nêu mà chỉ đại diện cho các nhà đầu tư giữ cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai trong một quỹ và cung cấp dịch vụ ủy thác sự vụ cho Hoàng Anh Gia Lai như với hàng ngàn công ty niêm yết khác trên toàn cầu. Deutsche Bank cũng cho biết thêm họ sẽ tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định có rút lại phần đầu tư vào HAGL hay không. IFC thì thông báo rằng họ không giữ cổ phần trong Tổng công ty cao su nhưng họ có đầu tư vào một quỹ và nắm giữ cổ phần tại Hoàng Anh Gia Lai.

Cả hai tập đoàn đã có văn bản chính thức báo cáo Bộ Ngoại giao Việt Nam, và bộ sẽ có trả lời chính thức những cáo buộc của Global Witness. Hiện tại chưa thấy động thái nào từ chính quyền Lào và Campuchia.

Đôi điều về Global Witness

Chiến dịch Kim cương máu của Global Witness là một trong những minh chứng cho tầm ảnh hưởng của tổ chức này

Hoàn toàn khác với những luận điểm mà bầu Đức đưa ra, hàng loạt tờ báo lớn trong nước đã cung cấp thông tin về tổ chức Global Witness. Theo đó, Global Witness thành lập năm 1993 tại Washington và trong 20 năm hoạt động của mình, đã làm mất lòng không ít chính phủ các nước phát triển. Lý do là tổ chức này đã nhiều lần can thiệp vào việc làm ăn của những ông trùm, những nhà tài phiệt được sự hậu thuẫn của chính phủ. Tổ chức này được sự hậu thuẫn hùng mạnh từ chính phủ Anh, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan và Ailen (tài trợ 38%) cùng với George Soros (40%).

Có thể thấy, những cáo buộc trên đã và đang gây ra những tác động lớn đến HAGL. Vấn đề đạo đức kinh doanh và bảo vệ môi trường vẫn luôn luôn được cả xã hội và nhà đầu tư chú ý. Còn nhớ bài học Vedan mới xảy ra năm 2008, sau khi bị phát hiện xã thải ra sông Thị Vải, Vedan đã bị cả người tiêu dùng lẫn những đơn vị phân phối (như Co.op Mark) tẩy chay. Đến hiện tại, trong mắt người tiêu dùng Vedan vẫn là một hình ảnh xấu. Mặc dù HAGL cho rằng bản báo cáo là sai sự thật nhưng thật khó mà phủ nhận hết những hình ảnh, những bằng chứng của một cuộc nghiên cứu kéo dài 12 tháng từ một tổ chức hoạt động uy tín và chuyên nghiệp. So với Global Witness, tiếng nói của HAGL hoàn toàn lạ lẫm và xa lạ với thế giới.

Bên cạnh đó, ta cũng phải đặt ra câu hỏi về cách thu hồi và giao đất của chính phủ hai nước này. Hẵng ai xem những tài liệu do Global Witness công bố đều bị ám ảnh với câu nói của những người dân ở đây: "Chúng tôi tuyệt vọng … vì họ nói là đồng lúa là của chính phủ, nên họ cấp hết cho công ty. Chúng tôi chẳng còn lại gì". Còn một người phụ nữ thì nói như van nài: "Công ty cũng phải nghĩ đến chúng tôi chứ?"

Tiêu Dao
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.