Nhiều người trẻ tại Mỹ đang cảm thấy tiếc nuối vì quyết định chuyển đến các vùng ngoại ô sinh sống. Điều tương tự cũng đang diễn ra với không ít người Việt Nam đã rời thành phố lớn về vùng ven biển hoặc vùng núi với mong muốn có một cuộc sống ít xô bồ hơn.

Jandra Sutton, một nhà văn và nhà sáng tạo nội dung 34 tuổi, cảm thấy mình là một Millennial may mắn. Cô và chồng đã bán căn nhà ở ngoại ô Tennessee nước Mỹ và mua một căn hộ ở trung tâm thành phố Nashville vào năm 2019, ngay trước khi lãi suất thế chấp và giá nhà tăng vọt.

Sutton cho biết cuộc sống vài năm ở ngoại ô đã khiến vợ chồng cô “khốn khổ”.

Cô nói: “Quán cà phê gần nhất cách nhà 15 đến 20 phút, không có nhiều việc để làm và không có bạn bè nào muốn lái xe đến thăm chúng tôi. Chúng tôi như bị cô lập”.

Hiện tại, căn nhà của hai vợ chồng nhỏ hơn 1.500 feet vuông (140 mét vuông), họ có ít ô tô hơn và không có sân, nhưng họ hạnh phúc hơn nhiều. Xung quanh nhà là các nhà hàng, bar nhạc sống, công viên và nhiều “địa điểm thứ ba” khác để gặp gỡ mọi người và vui chơi. Họ là khách quen của quán bar và quán rượu yêu thích trong khu phố đang sống. Ở những nơi này, Sutton nói “chúng tôi biết tên từng người và ngược lại”.

Cặp đôi này có đủ khả năng để quay lại sống ở thành phố một phần vì họ là DINKS (những người theo trào lưu “thu nhập gấp đôi, không con cái”). Họ sẽ không tốn tiền để thêm phòng ngủ, trả phí giữ trẻ hoặc mua một ngôi nhà có không gian ngoài trời. Sutton đã đúng khi nói vợ chồng cô thật may mắn, bởi nhiều người thuộc thế hệ Millennials tại Mỹ muốn mua nhà và sinh con nhưng không thể vì giá nhà quá đắt đỏ.

Còn với nhiều người di cư ra ngoại ô khác, họ hối hận nhưng không thể quay lại. Khi chi phí nhà ở và lãi suất thế chấp đạt mức cao kỷ lục, họ bị mắc kẹt và dần trở thành “những ông bố bà mẹ nhà quê”, điều mà họ không thể tưởng tượng nổi trước đây.

Rời thành phố vì giá nhà đắt đỏ

Khi Covid-19 khiến phần lớn nước Mỹ đóng cửa, hàng triệu người sống cả đời trong những căn hộ chật chội đột nhiên nhận ra họ muốn có một ngôi nhà rộng rãi hơn. Do nguồn cung nhà tại các đô thị không đủ, một phần vì các căn studio và một phòng ngủ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho chủ đầu tư, nên nhiều người đã chuyển ra vùng ngoại ô.

Trên thực tế, đại dịch chỉ làm gia tăng một xu hướng đã khiến Millennials rời khỏi các thành phố trong nhiều năm qua: chi phí nhà ở tại đô thị quá đắt đỏ.

Cuộc sống thành thị, nơi có vô số cửa hàng, nhà hàng và không gian công cộng trong tầm tay mà giới trẻ ưa thích thường đi kèm với mức sống cao. Một phân tích được công bố năm 2022 cho thấy người mua nhà ở 35 khu vực đô thị lớn nhất nước Mỹ phải trả thêm 34% chi phí để sống trong các khu dân cư giàu tiện ích trong khoảng cách đi bộ, trong khi người thuê nhà phải trả thêm 41%.

Cuộc khủng hoảng khả năng chi trả cho nhà ở tại thành thị đang tác động tới tất cả mọi người, trừ tầng lớp giàu có nhất. Do những người có thu nhập thấp hơn bị loại khỏi các thành phố, tỷ lệ nghèo ở ngoại ô tăng nhanh gấp ba lần tỷ lệ nghèo ở thành thị từ năm 2019 đến năm 2022.

John Natale, một đại lý bất động sản có trụ sở tại Wall Township, New Jersey, cho biết khách hàng của anh chấp nhận sống ở nơi xa hơn rất nhiều để mua được nhà, đặc biệt từ năm 2022 khi giá nhà ở ngoại ô tăng lên đáng kể. Theo thống kê, những người trưởng thành từ 20 đến 29 tuổi tại Mỹ chuyển về ngoại ô vào năm 2022 vì điều kiện nhà ở hơn là mục đích gia đình hoặc việc làm.

Hyojung Lee và các đồng nghiệp của ông tại Trung tâm Nghiên cứu Nhà ở chung của Harvard đã phát hiện ra rằng các thành phố có giá thuê đắt nhất và tỷ lệ căn hộ có ba phòng ngủ trở lên ít nhất là những nơi có nhiều Millennials chuyển đến các vùng ngoại ô nhất. Nhưng họ không chuyển đến các khu vực đông đúc và thuận tiện đi lại, mà là những nơi rất xa và “nhàm chán nhất thế giới với rất ít tiện ích”.

Mắc kẹt ở nơi xa

Trong gần hai thập kỷ, thế hệ Millennials đã biến các khu đô thị dày đặc, giàu tiện nghi trên khắp nước Mỹ thành sân chơi dành riêng cho giới trẻ và những người không có con cái. So với thế hệ X và Baby Boomers, phần lớn Millennials đã chuyển đến các thành phố khi còn trẻ và ở lại lâu hơn. Nhưng Gen Z mới chính là những người thúc đẩy xu hướng “trẻ hóa các thành phố”, trong khi Millennials đang già đi và phải trả giá cho cuộc sống tại vùng ngoại ô.

Năm 2017, Tiffany Stuart - khi đó 36 tuổi - và chồng đã rời thành phố New York để chuyển đến New Jersey khi họ nhận ra rằng họ không đủ tiền mua một căn hộ lớn hơn cho gia đình đang ngày càng đông thành viên. Giờ đây, cả hai đều đi làm mỗi chiều một giờ - Stuart bằng tàu hỏa và chồng cô chủ yếu bằng ô tô - vài lần một tuần. Ngoài phí cầu đường, bảo dưỡng ô tô và các chi phí đi lại khác, Stuart còn cảm thấy thất vọng vì các chi phí khác khi sở hữu một ngôi nhà, như mái nhà dột và chăm sóc bãi cỏ. Mặc dù thích không gian cây xanh và những người hàng xóm thân thiện, nhưng cô vẫn nhớ cuộc sống thành phố sôi động trước đây.

Rafay Qamar, một đại lý bất động sản ở Chicago, cho biết nhiều khách hàng Millennials đã rời thành phố để mua nhà ở ngoại ô trong những năm gần đây đang cố gắng quay trở lại: “Một vài người đã đưa ra quyết định vội vàng vì nhà ở được giao dịch quá nhanh, quá mạnh và họ không có cơ hội để mua nhà ở đô thị. Nhưng khoảng một năm sau, họ hối hận vì đã chọn một nơi có ít việc làm và giao thông chưa phát triển. Nhiều người muốn bán nhà để quay lại thành phố”.

Millennials đang mắc kẹt do diễn biến của thị trường nhà ở. Họ không đủ khả năng để bán nhà ở ngoại ô, một số căn đã mất giá kể từ mức cao nhất của thị trường vào năm 2021 và 2022, đặc biệt là khi lãi suất thế chấp tăng cao.

Suburban Jungle Group, một công ty tư vấn bất động sản chuyên giúp đỡ cư dân thành phố New York chuyển đến các vùng ngoại ô xung quanh, gần đây đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ người trẻ. Họ đã ký hợp đồng thuê nhà 2 năm ở các khu vực ngoại ô khi đại dịch ập tới, nhưng giờ đây tiền thuê nhà đang tăng vọt.

Allison Levine, Giám đốc truyền thông của công ty, cho biết: “Khách hàng hoảng sợ gọi cho chúng tôi vì giá nhà tăng tới hơn 30% và chỉ có thể được xin gia hạn 30 hoặc 60 ngày”.

“Trẻ hóa” vùng ngoại ô

Trong khi thế hệ Millennials đang loay hoay lựa chọn giữa một căn hộ nhỏ trong một thành phố sôi động hay một biệt thự tại vùng ngoại ô vắng vẻ, thì những người theo chủ nghĩa đô thị khẳng định bất kỳ nơi nào cũng có thể trở nên đông đúc và giàu tiện nghi miễn là luật pháp cho phép và mọi người muốn sống ở đó.

Tayana Panova, một nhà nghiên cứu đô thị, cho biết Millennials có thể giúp chuyển đổi vùng ngoại ô thành các cộng đồng đông đúc giống như thị trấn hoặc các thành phố nhỏ, với nhiều địa điểm giải trí hơn và ý thức cộng đồng mạnh mẽ hơn. Ở một số nơi, điều này đã xảy ra nhờ chính tác động của Millennials.

Levine của Suburban Jungle cho biết: “Trong 5, 6 năm qua, tôi đã chứng kiến ​​sự hồi sinh mạnh mẽ tại nhiều thị trấn, với các nhà hàng, phòng tập thể thao và cửa hàng thời thượng bắt đầu mọc lên. Cư dân tại đây không cần phải đến thành phố để thưởng thức một bữa tối thịnh soạn hoặc để xem một buổi biểu diễn, chương trình nhạc sống hay nghệ thuật”.

Panova cho biết đây có thể là “một bước ngoặt” đối với các cộng đồng ngoại ô khi dân số thế hệ trẻ ngày càng nhiều và “khiến vùng ngoại ô trở nên giống thành phố hơn”.

Cô nói: “Việc gieo những hạt giống đô thị vào các cộng đồng nhỏ là một cách tuyệt vời để giảm tải áp lực tại các thành phố đông dân”.

Lam Vy (BI)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.