Chỉ căn nhà nhỏ kèm đất do Nhà nước hóa giá, ông Đinh
Văn Mười (Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Sóc Trăng) bán được
khoảng 300 lượng vàng. Ông Nguyễn Thanh Lèo (Phó giám đốc Sở GT-VT tỉnh
Sóc Trăng) với sự giúp sức của nhiều cơ quan, chiếm được hàng nghìn mét
vuông đất của dân bên Quốc lộ 1A. Không chỉ thế, hồi làm Giám đốc Ban
quản lý các công trình xây dựng của thành phố Sóc Trăng, ông Lèo từng
khiến 141 hộ tiểu thương ở Chợ trung tâm khốn đốn.
Khi đó, xây dựng lại chợ cũ, các hộ buôn bán mấy đời
không được bồi thường đất và không được bố trí nơi kinh doanh. Suốt 4
năm khiếu kiện, đến năm 2007, Thanh tra Chính phủ kết luận không bồi
thường là sai; Thủ tướng Chính phủ nhiều lần chỉ đạo và giữa năm 2008,
Sóc Trăng tính toán đền bù thêm cho dân 12,7 tỷ đồng. Qua những vụ như
vậy, người ta thấy ông Lèo giàu lên.
Theo báo cáo của Bộ TN-MT giữa năm 2011, hằng năm Bộ
nhận được gần 10.000 lượt đơn khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực tài nguyên
và môi trường của công dân cả nước, trong đó đất đai chiếm 98,6%. Lĩnh
vực đất đai đang tồn tại một kiểu thị trường kỳ dị: Lãnh đạo địa phương
có quyền chỉ định giá mua bán đất (gọi là mua bán quyền sử dụng đất) cho
nhiều cuộc mua bán. Nên những người gần các vị có quyền ấy dễ hưởng
lợi, quan càng to càng dễ “mua” rẻ, hoặc được cấp; còn người dân dễ bị
“thu hồi” với giá rất thấp.
Có đất là giàu nhanh, lấy đất lại dễ thì những ai có
chút quyền hành và điều kiện, đều khó cưỡng lại sức hút lợi lộc từ đất.
Nhưng cái sự giàu nhanh bằng chiếm đoạt như thế lại luôn luôn sinh ra
mâu thuẫn chí mạng, nhân cách lớn lên không kịp với đồng tiền, đôi khi
còn phát triển ngược lại. Nên quan chức sát phạt nhau tiền tỷ cũng chỉ
là một biểu hiện, còn nhiều biểu hiện khác, đồng đội hại nhau, anh em bỏ
nhau, cha con từ mặt nhau.
Dễ giàu nhanh từ đất và bất ổn lớn cũng đang từ đất.