Đầm Lập An nằm trong quần thể vịnh Lăng Cô-được công nhận vịnh đẹp thế giới, là đầm nước lợ đẹp và lớn nhất ở TT- Huế. Hàng ngày, nơi đây thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, vui chơi. Thế nhưng, hiện trên đầm vẫn tồn tại nhiều nhà hàng nổi (NHN) không phép khiến không ít du khách lo lắng.

Lập cứ lập, làm cứ làm

Trên đầm Lập An, có 4 khu NHN thì có 3 NHN gồm: Việt Long, Sơn Hải và Bé Thân đều không có giấy phép xây dựng. Nhà hàng Bé Thân ở đầm Lập An với toàn bộ diện tích khoảng 400m2 của nhà hàng này đều xây dựng trái phép và tồn tại nhiều năm nay. Theo một nhân viên của nhà hàng, vào những ngày cao điểm, nhà hàng tiếp trên 300 người. Cách đó không xa, tình trạng xây dựng trái phép cũng xảy ra ở NHN hải sản Việt Long, Sơn Hải với sức chứa cũng lên đến hàng trăm khách. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, cán bộ địa chính TT Lăng Cô, đối với việc xây dựng không phép của 3 NHN nói trên đều được chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm vào năm 2013. Đồng thời, sau khi lập biên bản, chính quyền địa phương cũng buộc chủ đầu tư phải tự tháo dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Thế nhưng, theo ghi nhận của P.V, hiện các NHN này vẫn ngang nhiên tồn tại. Ông Phan Thanh Hồng cho biết, đầm Lăng Cô đã được quy hoạch nuôi trồng thủy hải sản, không được xây dựng chòi, nhà... làm ảnh hưởng đến cảnh quan vịnh Lăng Cô. Người dân cũng chỉ được cấp mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Những trường hợp xây nhà trái phép trên đầm, địa phương đã kiểm tra lập biên bản xử lý hành chính...

Ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND TT Lăng Cô cho biết, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng vì các chủ kinh doanh NHN trên đầm Lập An đều là người địa phương nên đành tạo điều kiện để họ làm ăn và cũng là để du khách đến Lăng Cô có nơi ăn uống hải sản địa phương. Ngoài việc đóng thuế thì mỗi năm, thị trấn thu tiền hoa lợi công sản là 15 triệu đồng/NHN. Cũng theo ông Trung, hiện các NHN này đang làm thủ tục để xin được cấp phép.

Ngoài không có giấy phép xây dựng, nhà hàng nổi này vẫn chưa được cấp phép mở bến thủy nội địa.

Hiểm nguy rình rập

Vụ sập nhà hàng bè nổi ở Ninh Thuận xảy ra vào tháng 7 -2016 làm hàng trăm người rơi xuống nước, trong đó có 2 du khách tử vong là một lời cảnh báo. Thế nhưng, bất chấp những quy định cấm xây dựng của cơ quan chức năng, một số hộ dân ở TT Lăng Cô vẫn ngang nhiên lấn chiếm, cơi nới, xây dựng trái phép ngay trên đầm Lập An. NHN Việt Long là một dãy nhà lúp xúp, nổi hoàn toàn trên đầm Lập An chỉ bằng những thùng phuy nhựa kết nối với nhau, nằm cách bờ hơn 100m. Sàn NHN này làm bằng gỗ tạp, nhiều tấm nứt nẻ, mái tôn gỉ sét. Thông với bờ là 2 cầu gỗ cũng nổi lên mặt nước nhờ những thùng phuy nhựa. Còn NHN Bé Thân cũng trong tình trạng xuống cấp với các phần kết cấu gỗ nứt nẻ, mục ruỗng, nhiều cột chống bằng cây tràm đã cũ nát. Tương tự, NHN Sơn Hải cũng được trang bị đơn giản, sơ sài.

Thiếu tá Dương Chí Hiếu- Phó Trưởng phòng CSĐT CA TT-Huế cho biết, lực lượng CSĐT vừa tiến hành kiểm tra thực tế trên đầm Lập An, trong đó NHN Bé Thân, không có giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền và chưa được cấp phép mở bến thủy nội địa... Qua kiểm tra, lực lượng CA và chính quyền địa phương đã lập biên bản làm việc, yêu cầu các hộ kinh doanh, chủ nhà hàng cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT, trật tự xã hội trên đường thủy nội địa. Bố trí đầy đủ các loại phao cứu sinh, hệ thống PCCC trên phương tiện và có phương án đảm bảo ATGT trên đường thủy nội địa, trong đó tập trung là công tác cứu hộ cứu nạn người đuối nước và PCCC. Theo thiếu tá Dương Chí Hiếu, những tồn tại trên tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cũng như các nguy cơ cháy, sập, chìm nhà hàng gây tai nạn và đuối nước. Việc đi lại của các du khách trong nhà hàng khi trời tối cũng rất nguy hiểm, nhất là sau khi ăn uống có men bia rượu. Nhưng các NHN vẫn chưa có phương án cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp có tình huống xấu xảy ra.

Trung tuần tháng 11-2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Phương đã có văn bản yêu cầu các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp xây dựng công trình, NHN trên địa bàn tỉnh. Đối với các NHN ở đầm Lập An, các công trình đã tồn tại mà chưa thực hiện các thủ tục liên quan đầu tư xây dựng thì Sở Xây dựng, Ban Quản lý KKT-CN tỉnh, các địa phương theo chức năng nhiệm vụ được phân công, phân cấp quản lý, tiến hành rà soát, đánh giá điều kiện an toàn, đề xuất giải pháp xử lý đối với từng trường hợp cụ thể; trường hợp công trình không đảm bảo điều kiện hoạt động, có nguy cơ gây mất an toàn khẩn trương tiến hành tháo dỡ.

Việc các NHN không phép không chỉ phá vỡ cảnh quan, không đảm bảo an toàn cho du khách mà nguy cơ ô nhiễm môi trường là vấn đề được nhiều người quan tâm. Mới đây, một đoàn du khách từ Hải Phòng vào đầm Lập An ăn uống đã than phiền về mùi hôi khó chịu bốc lên từ đáy đầm. Để kiểm chứng, những ngày cuối tháng 11-2016, chúng tôi có mặt gần khu vực các NHN này, chứng kiến mùi hôi thối bốc lên từ đầm gây không khí ngột ngạt. Nhiều du khách đang ngồi ăn uống gần đó cũng có cảm giác khó chịu vì mùi hôi nồng nặc. Nhiều khu vực, nước đen ngòm lẫn lộn từ các vỏ ốc, chíp chíp, rác thải... Cũng theo một số người dân sống ven đầm Lập An cho biết, hầu hết các NHN hoạt động trên đầm đều không có hệ thống xử lý thải mà đều thải thẳng xuống đầm khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

H.Lan (Công an Đà Nẵng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.