Ngày 28/6, UBND phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) thành lập đoàn kiểm tra và tổ chức tháo dỡ công trình vi phạm mang tên Cù Lao Sông Hồng. Hiện trạng nhà nổi có diện tích khoảng 370m2, sàn gỗ, cột sắt, mái tôn bị tháo dỡ hoàn toàn. Phần nguyên vật liệu chủ đầu tư tự quản lý và yêu cầu di chuyển ra khỏi khu vực vi phạm, nghiêm cấm việc tái diễn.
Trước đó, ngày 27/6, UBND phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) kiểm tra, lập biên bản các phương tiện neo đậu khu vực bến tàu du lịch chưa được cấp phép. Tại biên bản lập đối với công trình của Công ty CP Phụ tùng Hoàng Kim, ông Phạm Việt Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Chương Dương nêu: Sổ đăng kiểm tàu cá cấp ngày 14/3/2013 của Trung tâm đăng kiểm và tư vấn nghề cá cấp cho chủ tàu đã hết hạn từ ngày 14/3/2014. Nhà nổi của công ty CP Phụ tùng Hoàng Kim thiếu phương án phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra, theo tài liệu của phóng viên có được, văn bản của Chi cục đường thủy nội địa phía Bắc (Cục đường thủy nội địa) về thỏa thuận vùng nước cho đơn vị này từ 15/8/2012 đã hết hạn từ năm 2015. Vì vậy UBND phường Chương Dương yêu cầu công ty này phải hoàn thành các thủ tục trong vòng 5 ngày kể từ 27/6, báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Tại biên bản lập ngày 1/7, UBND phường Chương Dương làm việc với Cty CP Thăng Long GTC, Cty TNHH DL&TM Trường Thành, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kiều Gia xác nhận nội dung mà báo Tiền Phong phản ánh là đúng. Đại diện Cty CP Thăng Long GTC thừa nhận, ụ nổi được cấp phép cho công ty từ năm 2014, phục vụ được 250 khách. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa đã hết hạn từ 31/12/2018 đến nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để kiểm tra, gia hạn. Ngoài ra, có một tàu hoa tiêu đang chờ thanh lý và có cầu dẫn để khách ra vào tàu du lịch (khi nước cạn và chờ cấp phép hoạt động bến).
Tại biên bản này, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kiều Gia thừa nhận, công ty có triển khai hệ thống phao nổi có vị trí bên trái cầu tàu, trước mặt khu nhà nổi để phục vụ khách đi lại trong mùa nước nổi. Nhưng hiện nay, nước cạn nên công ty xếp gọn lại với diện tích khoảng 90m2. Việc xây dựng hệ thống này nhằm mục đích che phần nước bẩn tại bến và trồng cây cảnh tạo cảnh quan môi trường, không tổ chức bán hàng. Tuy nhiên, việc này được thực hiện mà không có đủ hồ sơ pháp lý và sự thỏa thuận giữa các bên.
Sau khi làm việc với UBND phường Chương Dương, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kiều Gia đã di chuyển hệ thống phao nổi ra khỏi khu vực bến tàu khách Chương Dương để đảm bảo đúng luật giao thông đường thủy nội địa. Công ty cam kết tháo dỡ xong toàn bộ hệ thống cầu phao trước ngày 30/6.
Trong khi đó, ba nhà hàng Sông Hồng View, Phương Linh, Bếp Ngư Ông (địa phận phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, không được cho thuê mặt nước, không cung cấp giấy phép hoạt động đường thủy nội địa, giấy phép đăng ký kinh doanh, thuế từ hoạt động kinh doanh, giấy phép neo đậu tàu thuyền và UBND phường Ngọc Thụy lập biên bản yêu cầu dừng hoạt động, di dời trước ngày 30/6) đến nay, vẫn hoạt động. Ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy (Long Biên) cho biết, đã mời cơ quan CSGT đường thủy, Thanh tra giao thông xuống làm việc và báo cáo UBND quận Long Biên chỉ đạo hướng giải quyết.
Như Tiền Phong phản ánh, trên sông Hồng qua Hà Nội từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy hiện có hơn 10 nhà nổi, nhà riêng lớn như biệt phủ mọc trên sông, hầu hết đều không phép. Ngoài công tác xử lý của cấp phường, xã như trên, các cơ quan như Cục Đường thủy nội địa, Sở GTVT Hà Nội đang thực hiện kiểm tra để xử lý.