Theo các văn phòng nhà đất, mặc dù thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên nhưng giao dịch tại nhiều dự án lớn như Dương Nội, Park city… lại đang đóng băng vì chủ đầu tư không cho khách hàng đổi tên và không được uỷ quyền công chứng.

Đường thông, đất lên giá

Việc thông tuyến đường Lê Văn Lương vừa qua là cú hích lớn cho nhiều dự án bất động sản xung quanh khu vực này tăng giá. Dọc tuyến đường này đang có hàng chục dự án lớn, trong đó có khu đô thị mới Văn Khê – Sông Đà Thăng Long. Hiện giá đất nền, chung cư tại đây đang tăng mạnh. Đơn cử, giá đất liền kề ở vị trí đẹp đường to lên đến 90 triệu đồng/m2.

Ngay cạnh đó, dự án An Hưng có giá đất liền kề khu vực giáp đường nhỏ có giá 57- 58 triệu đồng/m2, đường to 23,5 m giá 63 - 70 triệu đồng/m2, đường 40m giá hơn 80 triệu m2…

Đăc biệt, giá chung cư tại dọc tuyến đường này cũng đã bắt đầu tăng đáng kể. Cụ thể, giá chung cư tại khu đô thị Văn Khê đã bàn giao nhà tăng 2 triệu đồng/m2, vào khoảng 22 triệu đồng/m2. Giá chung cư tại dự án Usilk city khoảng 25-26 triệu đồng/m2.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh – Văn phòng môi giới nhà đất Nam Long, sở dĩ giá đất khu vực này lên đột biến do trục đường Lê Văn Lương đã được thông đường. Ngoài ra, khu Văn Khê đã và đang bàn giao nhà cho khách hàng vào hoàn thiện. Hơn nữa, chủ đầu tư dự án đã quy hoạch rất nhiều khu đất liền kề diện tích nhỏ vì vậy rất dễ thanh khoản. Thị trường bất động sản sau tháng "cô hồn" (tháng 7 âm lịch) đã bắt đầu ấm dần, hiện lượng khách hỏi mua nhiều hơn. Tuy nhiên, giao dịch thành công chưa nhiều do người bán thì vẫn kỳ vọng là đất khu vực này sẽ tiếp tục lên.

Anh Nguyễn Đức Chính - giám đốc văn phòng nhà đất Đại An cho rằng việc thông tuyến đường Lê Văn Lương là lực đẩy lớn cho bất động sản quanh khu vực. Điều này giống như vụ mùa qua bao năm gieo trồng giờ là thời điểm thu hoạch. Những dự án đang bàn giao nhà hoặc dự án có kế hoạch bàn giao trong năm 2010 đang là lựa chọn số 1 của các nhà đầu tư, các khách hàng mua để bởi vì có thể sử dụng luôn. Còn các dự án có thời gian thi công dài khoảng 2-3 năm như Park City, Geleximco, Thanh Hà… không hấp dẫn nhà nhà đầu tư bởi thời gian bỏ tiền ra đầu tư quá lâu.

Nhà đầu tư "chán" mạo hiểm


Trái lại, tại dự án Dương Nội (Tập đoàn Nam Cường), giao dịch đất liền kề, biệt thự khá chậm bởi chủ đầu tư không cho phép sang tên hợp đồng và với phần dự án giai đoạn hai lại chưa ra hợp đồng nên khách hàng không mua. Trong khi đó, các nhà liền kề tại dự án Dương Nội có diện tích lớn nên khó bán hơn.

Cùng nằm trên tuyến đường đó, dự án Parkcity mặc dù mới chào hàng nhưng mức giá chênh lệch ngoài thị trường cũng khá cao, khoảng 600 triệu đến 1 tỉ đồng/căn, tuy nhiên do chủ đầu tư chưa cho phép sang nhượng nên giao dịch hầu như không có.

Theo phản ánh của giới đầu tư, hiện nay tâm lý người mua luôn muốn chọn những dự án chắc chắn về mặt pháp lý như được đứng tên, uỷ quyền, nên những giao dịch mua bán bằng hợp đồng góp vốn không chuyển tên được hoặc thậm chí hợp đồng góp vốn có ghi rõ lô số hoặc hợp đồng góp vốn có kèm điều kiện thưởng phạt cũng không thể thực hiện được.

Trong khi đó, nguồn vốn cho thị trường tiếp tục bị thắt chặt bởi thông tư 19 của Ngân hàng nhà nước sắp sửa có hiệu lực. Theo đó, hệ số rủi ro trong đầu tư bất động sản gần như giữ nguyên ở mức 100% lên 150%. Đây được coi như van tín dụng hạn chế nguồn tiền vào thị trường bất động sản. Trong khi đó, nguồn vốn chủ đầu tư trong nước hạn chế. Việc này cũng gây nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư.

Rõ ràng, xu hướng đầu tư bất động sản đang có sự thay đổi, các nhà đầu tư đã “chán” các cuộc chơi mạo hiểm bởi nếu không cẩn thận sẽ rất dễ bị mất tiền hoặc nếu không bị om vốn. Do vậy mà hầu hết các khách hàng đều muốn chọn dự án có tính pháp lý chuẩn, dự án đã bàn giao nhà bởi đơn giản lợi nhuận có thể ít hơn nhưng an toàn.
Cafeland.vn - Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland