13/04/2023 3:33 PM
Số lượng giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng trong quý 1 vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua, kể từ thời điểm quý 1/2021.

Số lượng giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng giảm mạnh

Giao dịch trầm lắng

Năm 2021, thông tin nhiều doanh nghiệp lớn xin đề xuất đầu tư các đại dự án đô thị cộng với việc đầu tư tuyến đường cao tốc Giầu Dây – Liên Khương đã khiến cho thị trường bất động sản Lâm Đồng trở nên sôi động.

Thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 36.549 lô đất nền và 3.035 căn nhà ở riêng lẻ giao dịch thành công qua công chứng.

Bước sang năm 2022, số lượng giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng tiếp tục tăng mạnh và đạt đỉnh trong quý 2/2022.

Nếu như trong quý 1/2022, trên toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận có 12.467 giao dịch đất nền, thì sang đến quý 2/2022 lượng giao dịch tăng mạnh lên 19.669 giao dịch.

Sang đến quý 3 và quý 4/2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn về dòng vốn tín dụng eo hẹp, cộng với việc lãi suất cho vay ở mức cao đã khiến cho số cho số lượng giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng giảm mạnh còn 8.804 giao dịch và 6.633 giao dịch.

Trong quý 1/2023, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 3.246 giao dịch đất nền, tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 1.127 giao dịch, huyện Đức Trọng với 506 giao dịch, thành phố Bảo Lộc với 476 giao dịch, huyện Lâm Hà với 442 giao dịch.

Đối với phân khúc nhà ở riêng lẻ, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 287 giao dịch. Trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Đức Trọng với 95 giao dịch, thành phố Đà Lạt với 67 giao dịch, huyện Bảo Lâm với 61 giao dịch.

Lâm Đồng sắp khởi công dự án đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc. Trong ảnh là bản đồ hướng tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc nằm trong dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Sắp khởi công nhiều dự án

Bên cạnh sự trầm lắng nêu trên, thị trường bất động sản tỉnh Lâm Đồng cũng đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực mới.

Đơn cử ngày 23/3/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục, điều kiện để khởi công các công trình, dự án trọng điểm và các dự án quy mô lớn trên địa bàn tỉnh trong năm 2023.

Theo đó, trên lĩnh vực hạ tầng, trong năm 2023 tỉnh Lâm Đồng sẽ khởi công dự án đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc. Dự án này có chiều dài 66km, trong đó đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km và tỉnh Lâm Đồng khoảng 55km.

Bên cạnh đó, dự kiến tháng 6/2023, tỉnh Lâm Đồng sẽ khởi công dự án đường tránh thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương quy mô 157 tỉ đồng; tháng 12/2023 khởi công dự án đường vành đai Đinh Văn – Đạ Đờn quy mô 371 tỉ đồng; tháng 7/2023 khởi công dự án xây dựng giao thông cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính gắn với quảng trường trung tâm huyện Đức Trọng quy mô 1.103 tỉ đồng; quý 4/2023 khởi công dự án bệnh viện đa khoa chất lượng cao tại huyện Đức Trọng quy mô 1.186 tỉ đồng.

Trên lĩnh vực bất động sản, tỉnh cũng dự kiến sẽ khởi công hàng loạt dự án mới trong năm 2023, như dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái dã ngoại về nguồn của Công ty Cổ phần Nhật Nguyên; khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái toàn cầu quy mô 400 tỉ đồng của Công ty cổ phần đầu tư và du lịch Toàn Cầu.

Ngoài ra, tháng 7/2023, tỉnh Lâm Đồng cũng dự kiến khởi công dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp quy mô 2.070 tỉ đồng của Công ty cổ phần Sacom – Tuyền Lâm; tháng 8/2023, khởi công dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen quy mô 870 tỉ đồng của Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen.

Tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ khởi công dự án khu dân cư đồi Thanh Danh quy mô 551,5 tỉ đồng của Liên danh Công ty TNHH OLECO-NQ và Công ty cổ phần bất động sản Mỹ; dự án khu dân cư phía Đông, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà quy mô 821 tỉ đồng; dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu dân cư An Tôn, phường 5, thành phố Đà Lạt quy mô 201,2 tỉ đồng;…

Bên cạnh thông tin tích cực từ việc khởi công nhiều dự án lớn như nói trên, thị trường bất động sản Lâm Đồng còn hưởng lợi từ nhiều quy hoạch mới sắp được phê duyệt, như quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn thiện, dự kiến được phê duyệt trong năm 2023.

Đồng thời, ngày 10/4/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch triển khai lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.

Theo đó, thành phố Đà Lạt sẽ được tính toán mở rộng theo hướng từ cao trình 850m trở lên với tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930ha.

Ngày 10/4 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở ngành và cơ quan có liên quan nghiên cứu đề nghị của UBND thành phố Đà Lạt về việc phê duyệt kế hoạch triển khai mô hình thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch đề xuất, thành phố Đà Lạt sẽ phát triển nhiều mô hình kinh tế ban đêm như, mô hình công viên nhạc nước tại vườn hoa thành phố Đà Lạt; mô hình tuyến phố ẩm thực tại khu vực đường Trần Lê và hồ Hoàng Văn Thụ, phường 4, thành phố Đà Lạt với tổng chiều dài 900m; mô hình tuyến phố đêm tại các tuyến đường Ba Tháng Hai, Trương Công Định, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Chí Thanh, phường 1, thành phố Đà Lạt; Khu vực Quảng trường Lâm Viên.

Thành phố Đà Lạt cũng đề xuất hàng loạt mô hình thí điểm phát triển kinh tế đêm thực hiện trong giai đoạn 2024-2030 gồm, mô hình khu phố đi bộ tại đường Trần Quốc Toản (đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Trần Quốc Toản đến Vườn hoa thành phố) với chiều dài khoảng 1.600m. Mô hình Chợ đêm tại khu vực Công viên Ánh Sáng.

Tại Khu du lịch Thung lũng Tình yêu, Đồi Mộng mơ, Đồi Thống nhất, UBND thành phố Đà Lạt đề xuất các loại hình vui chơi giải trí, Shophouse, Clubhouse/Casino.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.