Báo cáo của AVM Việt Nam 2010-2011 cho thấy, bất động sản là một trong những lĩnh vực có số thương vụ và giá trị chuyển nhượng lớn nhất tại Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, thị trường đã chứng kiến hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) có tầm cỡ trong lĩnh vực bất động sản.

Gần đây nhất, Tập đoàn FPT đang xúc tiến việc chuyển nhượng Tòa nhà 89 - Láng Hạ (Hà Nội). Hiện FPT đang đàm phán những bước cuối cùng với đối tác và giá trị chuyển nhượng chưa được tiết lộ.

Trước đó, một thương vụ gây xôn xao dư luận là việc Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh chi 45 triệu USD để mua lại toàn bộ cổ phần của EEM Victoria (Hồng Kông), trở thành chủ sở hữu 6 khách sạn và resort mang thương hiệu Victoria tại Việt Nam.

Ngoài 2 thương vụ M&A kể trên, trong quý I/2011, lĩnh vực bất động sản còn chứng kiến nhiều vụ chuyển nhượng dự án khác, như: Dự án cao ốc căn hộ Thủy lợi 4 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) quy mô hơn 6.200 m2 được chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản thủy lợi 4A; Công ty VinaLand Limited bán toàn bộ cổ phần trong dự án phát triển nhà ở tại quận 9, TP.HCM cho một tập đoàn lớn tại Việt Nam, với giá trị chuyển nhượng 10,9 triệu USD…

Trước đó, trong năm 2010, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản cũng diễn ra sôi động với hàng loạt thương vụ như Công ty cổ phần Bất động sản tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC Land) chuyển nhượng Dự án Diamond Tower tại Nam An Khánh cho Công ty Đầu tư xây lắp dầu khí Imico, với giá trị chuyển nhượng 207 tỷ đồng; Quỹ Đầu tư bất động sản VinaLand bán 85% phần vốn Dự án Khu phức hợp Mandarin Garden Hà Nội do Công ty cổ phần Golden Gain Việt Nam làm chủ đầu tư; Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Prudential Vietnam mua lại phần vốn góp của Công ty Vina Development Inc (Hàn Quốc) để đầu tư Dự án căn hộ Imperia An Phú (quận 2, TP.HCM).

Ngoài ra, trong năm 2010, còn phải kể đến thương vụ SJS ký hợp đồng mua lại 60% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản và Thương mại Thăng Long do Công ty cổ phần Thương mại - Xây dựng - Đầu tư phát triển nhà nắm giữ; Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Đất Xanh mua lại dự án của Công ty TNHH Hà Thuận Hùng và triển khai dự án căn hộ cao 14 tầng Phú Gia Hưng Apartment tại quận Gò Vấp, TP.HCM; Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Nam Long Bitexco chi 8 triệu USD để có được cao ốc 10 tầng trên khu đất rộng 4.350 m2 tại đường Võ Văn Tần (TP.HCM)…

Theo ông Đặng Xuân Minh, Giám đốc Công ty AVM Vietnam, sự gia tăng các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản chủ yếu là do sự khởi sắc của thị trường bất động sản trong những năm qua, thể hiện ở tốc độ tăng giá bất động sản và dòng vốn đổ vào lĩnh vực này. Việc đầu tư nóng dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực về vốn có nhu cầu chuyển nhượng dự án, kêu gọi vốn đầu tư từ các đối tác.

Ông Trần Như Trung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Công ty Tư vấn và Nghiên cứu Savills Việt Nam nhận xét, xu hướng đầu tư gián tiếp vào lĩnh vực bất động sản (sáp nhập - chuyển nhượng, cổ phần, cố phiếu) sẽ phổ biến hơn giao dịch trực tiếp. Do vậy, các thương vụ sáp nhập và chuyển nhượng sẽ gia tăng, nhằm tìm kiếm các hỗ trợ tài chính và tránh rủi ro thu hồi dự án.

Đồng tình, ông Minh dự báo, thời gian tới, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục gia tăng cả về số thương vụ và giá trị. Đây là xu thế tất yếu do hệ quả của việc tăng trưởng đầu tư trong lĩnh vực bất động sản trong một vài năm qua. Các giao dịch này sẽ góp phần tái cấu trúc, sàng lọc các chủ đầu tư có đủ năng lực để triển khai dự án. Các quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài và các tập đoàn tư nhân mạnh sẽ chiếm ưu thế trong các vụ chuyển nhượng.

Chuyên gia Troy Griffiths (Công ty Savills Việt Nam) cũng cho rằng, nhiều chủ đầu tư trong nước có sẵn quỹ đất, nhưng đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn sẽ đẩy mạnh xu hướng liên kết với các đối tác bên ngoài. Mặt khác, sự phát triển mạnh của thị trường đòi hỏi những sản phẩm có chất lượng cao, nên việc tái cấu trúc công ty, lập các quỹ huy động vốn sẽ khiến cho hoạt động M&A diễn ra nhiều hơn.

Cafeland.vn - Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland