Đường liên xã Hòa Chính - Thượng Vực dang dở vì chủ đầu tư không có kinh phí bồi thường.
Niềm tin bị “đánh cắp”
Có thể nói, đường liên xã Hòa Chính- Thượng Vực khi hoàn thành sẽ không chỉ giúp nhân dân đi lại thuận tiện hơn mà còn góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Nhưng rất tiếc, sau gần 3 năm triển khai thì con đường vẫn chưa thể hoàn thành như dự kiến. Mục tiêu tốt đẹp ban đầu chưa kịp thành hiện thực thì uy tín của chính quyền đã bắt đầu bị giảm sút.
Trao đổi với phóng viên trong tâm trạng khá bức xúc, bà Nguyễn Thị Nguyệt (thôn Lý Nhân) cho hay: “năm 2009- 2010, huyện và xã đã tổ chức họp dân để vận động bà con hợp tác với chính quyền làm dự án làm đường liên xã nên chúng tôi rất phấn khởi. Sau đó, cán bộ xã, thôn còn đến từng nhà vận động các gia đình ký vào biên bản giao đất làm đường.
Để thuyết phục dân, họ còn chìa ra văn bản có dấu đỏ và cam kết, khi làm được ½ con đường sẽ bắt đầu trả tiền, giá 818.500 đồng/m2. Tin vào cam kết này, hầu hết các hộ gia đình đã bàn giao ruộng cho chính quyền làm dự án, Thế nhưng cho đến năm 2012, khi thấy đường đã làm gần xong mà vẫn chưa được nhận tiền bồi thường nên chúng tôi đã yêu cầu dừng thi công để chính quyền thực hiện bồi thường theo đúng thủ tục, trình tự”.
Còn trong đơn thư gửi các cấp, gần 100 hộ dân thôn Lý Nhân từng tự nguyện bàn giao đất như bà Nguyệt đã cho rằng, “niềm tin của người dân đã bị đánh cắp. Chúng tôi đã bị chính quyền bội tín...”. Trong số những hộ có đất trong dự án thì đã có hơn 10 hộ gia đình không tin lời hứa của chính quyền nên không ký biên bản bàn giao đất, tuy nhiên, hàng nghìn m2 đất trồng lúa của họ vẫn bị san lấp để làm đường.
Anh Lê Văn Kiêu cho biết: “Cho đến nay, sau hơn 3 năm kể từ khi bị mất đất nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được Quyết định thu hồi đất, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường...Không hiểu căn cứ vào đâu mà họ lấy đất của gia đình tôi. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc GPMB sai quy định này?”
Trao đổi với phóng viên về nội dung trên, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Chính Nguyễn Văn Nhất thừa nhận những bức xúc của bà con thôn Lý Nhân thời gian qua là có thật và cho hay: “Bà con bảo chính quyền “nuốt lời” thì cũng có cái lý của bà con.
Lúc đó, dự án đã có luận chứng kinh tế kỹ thuật, UBND huyện đã phê duyệt kế hoạch đấu giá đất ở, lấy kinh phí bồi thường...nên chúng tôi tranh thủ triển khai dự án khi chưa có quyết định thu hồi đất cho kịp tiến độ. Sau này, mặc dù đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường tổng thể (gần 15 tỷ đồng) nhưng huyện lại trả lời “không có kinh phí” nên bà con mới bức xúc, không cho làm đường tiếp”.
Liệu có thất hứa lần nữa?
Trước tình trạng dự án bị dở dang như hiện nay, ông Mai Ngọc Thích- Chánh Văn phòng UBND huyện Chương Mỹ - đánh giá: “Anh em ở xã đã không đánh giá hết tình hình, có biểu hiện nóng vội. Lúc đó, huyện không đồng tình triển khai dự án nhưng lãnh đạo 2 xã kiên quyết xin làm và đề nghị lấy quỹ đất công ra bồi thường. Khi triển khai thì thấy phương án này không khả thi nên huyện mới ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường. Kinh phí bồi thường trông chờ vào tiền thu được từ đấu giá đất nhưng hiện, phương án này cũng không khả thi do bất động sản đóng băng”.
Còn ông Nguyễn Ngọc Khánh- Phó Trưởng ban GPMB huyện Chương Mỹ - cho hay: “Trước tình hình khó khăn như trên, UBND huyện đang tính đến phương án lấy quỹ đất công do 2 xã đang quản lý để bồi thường bằng đất (đất đổi đất), gắn với phương án dồn điền đổi thửa hiện nay”.
Vậy là chính quyền xã Thượng Vực, xã Hòa Chính và huyện Chương Mỹ đang đứng trước nguy cơ “thất hứa” với dân một lần nữa. Quyết định Phê duyệt phương án bồi thường dự án xây dựng tuyến đường liên xã Hòa Chính- Thượng Vực do Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ ký ngày 28/12/2010 chưa thực hiện được bất cứ nội dung nào thì lại có nguy cơ “chết yểu” vì huyện thay đổi chính sách đền bù. Tuy nhiên, ngay cả khi phương án “đất đổi đất” được triển khai thì hàng chục hộ dân xã Thượng Vực cũng không chắc có đất canh tác trong tay.
Anh Cao Đình Cường cho biết: “Thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, chính quyền xã Thượng Vực đã ép mỗi khẩu trong xã phải hiến 50m2 đất nông nghiệp để làm đường giao thông và kênh mương nội đồng. Gia đình tôi có 3 khẩu, bị lấy 150m2 nhưng cán bộ tính toán, đổi bù cho tôi 142m2 bị thu hồi trong dự án làm đường liên xã nên sẽ chỉ lấy ra 8m2 nữa. Tiền hoặc đất bồi thường sẽ không được nhận nữa. Tôi thấy rất vô lý và bất công vì hơn 116 triệu đồng tiền bồi thường (do xã lên phương án) tôi đã không được lấy, nay còn bị mất thêm 8 m2 đất nữa”.
Luật sư Dương Kim Sơn (Cty Luật TGT và Cộng sự) cho rằng: “UBND huyện Chương Mỹ là chủ dự án thì phải bỏ tiền hoặc đất ra để bồi thường. Nếu UBND huyện không có quỹ đất bồi thường thì phải lập dự án để tạo quỹ đất phục vụ cho công tác bồi thường “đất đổi đất” tại dự án làm đường. Không thể quan niệm rằng, đất công ích của xã thì cũng là đất của huyện vì UBND xã và UBND huyện là hai chủ sử dụng đất khác nhau. Đáng lẽ, UBND huyện phải chi 15 tỷ đồng để bồi thường thì nay lại không mất một đồng nào là rất vô lý”.
Theo thông báo của UBND huyện ngày 16/1/2013 thì phương châm “đất đổi đất” đã được UBND huyện “quyết” và “yêu cầu UBND xã tổ chức hội nghị chuyên đề để bàn bạc, thống nhất và giải quyết dứt điểm những bức xúc, kiến nghị, đề nghị của nhân dân tại hội nghị”.
Tuy nhiên, nếu không tính toán một cách cẩn trọng và đối chiếu với các quy định của luật thì rất có thể, phương án “đất đổi đất” lại sẽ bị “mắc” như phương án “hứa bồi thường tiền để lấy đất trước” như 3 năm trước đây.