Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang ngập đầu trong nợ nần. Thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn nên tình trạng nợ đọng ngày càng thêm nghiêm trọng. Nếu không được các cơ quan có thẩm quyền cho phép giãn, hoãn các khoản nợ, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản và các dự án bất động sản sẽ phải dừng lại.

Nợ đọng 12.000 tỷ đồng


Giãn nợ để cứu bất động sản?
Nếu không được các cơ quan có thẩm quyền cho phép
giãn, hoãn các khoản nợ, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản và các dự án bất động sản sẽ phải dừng lại.
Thị trường bất động sản chững lại từ đầu năm 2011 khiến kế hoạch thu tiền sử dụng đất của Hà Nội đứng trước nguy cơ phá sản. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong khi triển khai dự án, dẫn tới tình trạng nợ đọng tiền sử dụng đất lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó, số nợ xấu, khó đòi cũng lên tới trên 500 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, ông Lê Văn Hoạt, trong cuộc giám sát về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua, đoàn giám sát của HĐND TP được Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, kế hoạch thu tiền sử dụng đất của Hà Nội năm 2011 là 15.403 tỷ đồng (trong đó, có hơn 4.200 tỷ đồng chuyển tiếp từ năm 2010), nhưng đến hết tháng 9-2011 mới thu được khoảng 3.049 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, trong 3 tháng còn lại của năm 2011, thành phố sẽ phải thu hơn 12.000 tỷ đồng nữa mới hoàn thành được kế hoạch.


Cũng ghi nhận có tình trạng doanh nghiệp nợ đọng tiền sử dụng đất rất lớn, ông Vũ Đức Bảo, Bí thư quận uỷ Long Biên nói: "Tình trạng nợ đọng tiền sử dụng đất tại các quận, huyện hiện nay rất lớn. Riêng quận Long Biên hiện có một số dự án bất động sản, kể cả dự án khu đô thị mới, đang nợ khoảng 600-700 tỷ đồng tiền sử dụng đất chưa thu được. Trong khi đó, tổng thu ngân sách của quận có tỷ trọng thu từ nguồn này là chủ yếu". Cũng theo ông Vũ Đức Bảo, nguyên nhân của việc nợ đọng lớn là do thị trường bất động sản nguội lạnh ảnh hưởng đến khả năng nộp tiền sử dụng đất của doanh nghiệp. Ông phân tích: "Thị trường bất động sản chững lại liên quan đến rất nhiều vấn đề, nhất là đối với những quận, huyện có tốc độ đô thị hoá cao như Long Biên. Sản phẩm các doanh nghiệp làm ra không bán được dù đã hạ giá tới 20%. Đây đang là thách thức lớn với toàn thành phố. Nếu vẫn tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, trong năm 2012, việc triển khai các dự án bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều dự án sẽ không triển khai được nên dù không cố tình chây ỳ, nhưng doanh nghiệp cũng không có tiền để nộp vào ngân sách".


Phân tích cơ cấu khoản chậm thu khổng lồ nói trên, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, bà Phùng Thị Hồng Hà cho biết, theo đánh giá của cơ quan thuế, nợ xấu, nợ khó có khả năng thu hồi khoảng hơn 525 tỷ đồng. Trong đó, chủ đầu tư dự án Khu đô thị Xa La (Hà Đông) - nợ 116 tỷ đồng; dự án tại khu đất HH5 (Long Biên) nợ 156 tỷ đồng (có quyết định thu tiền từ lâu nhưng chưa nộp); Khu đô thị Thạch Bàn (Long Biên) nợ 147 tỷ đồng; một Công ty Cơ điện nợ 106 tỷ đồng… "Các doanh nghiệp này đã nợ quá lâu, thành phố khó có khả năng thu hồi được", bà nói.


Cứu doanh nghiệp cách nào?


Khoảng thời gian hoãn thuế chừng 6 tháng tới 1 năm chính là liều thuốc "an thần" quý giá cho doanh nghiệp

Từ gần 1 năm nay, đã có rất nhiều ý kiến thảo luận xung quanh việc giải cứu thị trường bất động sản. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép nới tín dụng đối với một số lĩnh vực liên quan tới bất động sản. Thế nhưng, liều thuốc tăng lực này được cho là chưa đủ trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã ngấp nghé bờ phá sản. Minh chứng rõ nét cho tình hình này là nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Địa ốc Dầu khí và Công ty Sài Gòn Mê Kông vì kẹt tiền, tới hạn thanh toán với nhà băng đã buộc phải chấp nhận bán hạ giá nhà tới 35%. Một doanh nghiệp không ngần ngại nói thẳng với báo chí: "Đang có làn sóng bán tháo ra BĐS do áp lực về tài chính trả nợ". Vậy nhưng, bán tháo liệu đã có khách chịu mua? Đại diện Hiệp hội bất động sản TP. HCM phân vân: "Có quá nhiều người bán hạ giá càng khiến thị trường rớt thảm hơn vì lực cầu lúc này rất thấp. Một vài công ty bán đại hạ giá, nhưng số khách quan tâm rất ít. Một phần vì khách hàng không có tiền để mua, thêm nữa họ vẫn tiếp tục chờ giá rớt sâu hơn nữa chứ không mua ngay lúc này".

Bình luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa nói: "Ngân hàng Nhà nước đã tháo vốn tín dụng cho một số lĩnh vực xây dựng, đầu tư ở kênh bất động sản, nhưng tôi cho rằng ngân hàng cần hỗ trợ mạnh hơn nữa. Sắp tới, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia sẽ đưa ra các đề xuất rót thêm tín dụng cho các lĩnh vực khác của bất động sản". TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương nêu quan điểm: "Nợ xấu bất động sản trong hệ thống chắc chắn có và ai cũng biết, nhưng lúc này doanh nghiệp và ngân hàng phải ngồi lại bàn với nhau. Cả hai phải tin nhau thì mới có hướng giải quyết các khó khăn về thanh khoản, về nợ. Bởi nếu doanh nghiệp có bị phá sản thì ngân hàng cũng bị tác động dây chuyền rất lớn".


Theo Sở Tài chính Hà Nội, trong 12.000 tỷ đồng nợ tiền đất, khoản nợ lớn nhất (hơn 9.450 tỷ đồng) phát sinh do chính sách ưu đãi giãn, hoãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư. Tuy thế, ưu đãi là có thời hạn và cũng chỉ vài tháng nữa, các doanh nghiệp sẽ phải tới hạn thanh toán. Thế nên, trong rất nhiều gói giải pháp để thị trường không đổ vỡ, chính sách tài chính cho phép doanh nghiệp được tiếp tục giãn, hoãn tiền đất sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Khoảng thời gian hoãn thuế chừng 6 tháng tới 1 năm lúc này chính là liều thuốc "an thần" quý giá giúp doanh nghiệp kịp nghỉ lấy lại sức để chống chọi với băng giá của thị trường.
Theo Phương Mai (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.