16/02/2019 8:14 AM
CafeLand - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến sẽ cho cho phép một số ngân hàng trong hệ thống giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống còn 50%. Nếu thông tư mới này được thông qua, dự kiến một lượng tiền lớn sẽ được đưa vào lưu thông trong nền kinh tế. Song nhiều người cho rằng nếu chỉ một vài ngân hàng được áp dụng quy định này, thì liệu NHNN có đang thiên vị?

Nước chảy chỗ trũng

Theo Quyết định 1158/QĐ-NHNN có hiệu lực từ kỳ dự trữ bắt buộc tháng 6/2018, đa số các tổ chức tín dụng đều đang áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với từng loại tiền gửi. Cụ thể, tiền gửi bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 3% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc; tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 1% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc.

NHNN dự kiến điều chỉnh theo hướng sẽ không áp dụng quy định về dự trữ bắt buộc cho một số đối tượng, gồm tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; tổ chức tín dụng chưa khai trương hoạt động; tổ chức tín dụng có quyết định thanh lý tài sản, hoặc giải thể, hoặc chấm dứt hoạt động hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của cấp có thẩm quyền.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến giảm 50% dự trữ bắt buộc với các ngân hàng hỗ trợ TCTD yếu kém

Nhóm đối tượng trên hiện có Ngân hàng Đông Á (sau khi đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015 và tiến hành tái cơ cấu), ba ngân hàng thương mại mà NHNN mua lại giá 0 đồng là OceanBank, CBBank và GPBank.

Những trường hợp ngân hàng tham gia hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống (cụ thể là các TCTD yếu kém) sẽ được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc gồm: Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Công thương (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV). Các ngân hàng này đã tham gia hỗ trợ tái cơ cấu tại DongA Bank, CB Bank, Ocean Bank và GP Bank, qua hỗ trợ thanh khoản, cử nhân sự quả trị điều hành, hợp tác kinh doanh...

Như vậy, trên thực tế, các đối tượng được “hưởng lợi” từ chính sách trên là không nhiều, chủ yếu là các ngân hàng 100% vốn nhà nước và các ngân hàng lớn do nhà nước nắm quyền chi phối. Với việc miễn và giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc với các đối tượng ngân hàng trên, một lượng lớn tiền mặt sẽ được đưa vào lưu thông trong nền kinh tế, bởi đây đều là các ngân hàng chiếm thị phần huy động lớn trong hệ thống ngân hàng.

Lo bất bình đẳng

Theo nhận định ban đầu, hướng điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc nêu trên sẽ có tác động lớn tới thị trường. Thứ nhất là lãi suất, tiếp đó là có thể kích thích quá trình hồi phục tại những trường hợp TCTD đang bị kiểm soát đặc biệt.

Tuy nhiên, ngược chiều với ý kiến trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hang, lại cho rằng, chính sách này có thể gây méo mó nền kinh tế thị trường, gây bất lợi cho những ngân hàng nằm ngoài phạm vi chính sách, gây bất bình đẳng trong nền kinh tế.

Ông Hiếu nhận định việc giảm dự trữ bắt buộc cho một số ngân hàng là một ý tốt của NHNN. Việc giảm dự trữ bắt buộc giúp các ngân hàng có nhiều thanh khoản hơn để cho vay hoặc hỗ trợ thanh khoản cho chính ngân hàng đó.

Cụ thể, hiện dự trữ bắt buộc của các ngân hàng khoảng 3% (đối với tiền gửi ngắn hạn và không kỳ hạn, chiếm đa số lượng tiền gửi tại các ngân hàng Việt Nam). Tức là với 100 đồng huy động, ngân hàng chỉ có thể dùng 97 đồng để cho vay, còn 3 đồng phải gửi vào NHNN.

Tài khoản dự trữ bắt buộc có lúc được trả lãi, có lúc không hoặc lãi suất rất thấp. Vì thế, chi phí vốn của doanh nghiệp vì dự trữ bắt buộc tăng lên.

Việc NHNN giúp các ngân hàng hỗ trợ các TCTD yếu kém giảm dự trữ bắt buộc xuống 50%, có nghĩa là giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 3% xuống 1,5%. Đó là ý tốt. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho một vài ngân hàng và gây khó khăn cho các ngân hàng khác không được hỗ trợ.

Hay nói cách khác, “việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng. Đây là việc không ngân hàng trung ương nào trên thế giới nên làm, đặc biệt là ở những quốc gia hướng tới nền kinh tế thị trường”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Hiếu cho rằng, NHNN có nhiều công cụ để hỗ trợ các ngân hàng tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém như giảm lãi suất tái cấp vốn hoặc các chính sách ưu đãi khác, chứ không nên giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Bởi hiện nay, tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở Việt Nam đã khá thấp so với nhiều nước trên thế giới. Ví dụ như Mỹ có lúc tỷ lệ này lên tới 10%.

Cùng với đó, công cụ này sẽ ảnh hưởng tởi cả hệ thống, không loại trừ ngân hàng lỗ hay lãi. Vì thế, cần có một chuẩn chung cho tất cả các ngân hàng, tạo sân chơi bình đẳng. Việc duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc 3% còn có ý nghĩa là các ngân hàng không dùng quá nhiều tiền huy động để cho vay và phòng trường hợp khách hàng tới rút tiền nhiều, ngân hàng cũng không bị mất thanh khoản, ông Hiếu nhận định.

  • Sẽ giảm dự trữ bắt buộc 50% cho một số ngân hàng

    Sẽ giảm dự trữ bắt buộc 50% cho một số ngân hàng

    CafeLand - Trên đây là nội dung chính được đưa ra trong dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.