15/11/2018 7:50 AM
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh như trên tại buổi tiếp dân 3 phường An Lợi Đông, Thủ Thiêm và An Khánh, thuộc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) hôm qua 14/11.

Người dân Thủ Thiêm treo bản đồ gần khu vực gặp gỡ để chứng minh đất của mình nằm ngoài dự án Ảnh: Ngọc Dương

Buổi tiếp dân diễn ra ở Trung tâm bồi dưỡng chính trị Q.2, có sự tham dự của ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp dân T.Ư và lãnh đạo nhiều sở ban ngành. Cũng giống hai lần tiếp dân ở khu 4,3 ha (KP.1, P.Bình An) và hai phường Bình An và Bình Khánh hồi tuần trước, lần tiếp dân này chủ yếu để chính quyền ghi nhận những đề đạt, nguyện vọng của người dân Thủ Thiêm sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP).

Dân nhắc chính quyền “phải thực tâm sửa sai”

Bà Trần Thị Mỹ (77 tuổi, P.An Khánh), người có “thâm niên” 14 năm khiếu nại và từng cư trú ở “làng Thủ Thiêm” tại Hà Nội, sau khi nhìn nhận kết luận vừa qua của TTCP chính là “sự dũng cảm vì lần đầu tiên vạch ra sai phạm của UBND TP”, đã nhấn mạnh người dân vẫn muốn có cuộc thanh tra toàn diện về dự án này.

“Sau kết luận thanh tra, người dân sẵn sàng góp ý giải quyết về Thủ Thiêm nhưng có vẻ lãnh đạo TP không sẵn sàng”, bà Mỹ nói.

Cũng theo bà Mỹ, đất tái định cư của dân (khu 160 ha) đã bị giao cho doanh nghiệp nên UBND TP.HCM thời điểm đó đã chỉ đạo tìm kiếm 160 ha đất ở nhiều nơi thế vào, đẩy người dân phải tứ tán nhiều nơi tận Rạch Chiếc, Cát Lái... cách xa trung tâm Thủ Thiêm đến 15 - 20 km. Điều này cho thấy lãnh đạo TP đã tự ý điều chỉnh quy hoạch, khiến người dân thiệt thòi nhiều.

“Ai là lãnh đạo TP thời kỳ đó chịu trách nhiệm trước việc người dân 5 phường bị giải tỏa, di dời”, bà Mỹ đặt câu hỏi; đồng thời cho rằng chính quyền “đừng bao giờ nhắc tỷ lệ 99,4% giải tỏa, đền bù thành công” trong các báo cáo. Bởi tỷ lệ đó là kết quả từ việc chính quyền quyết liệt cưỡng chế đẩy nhiều người dân vào đau khổ nhiều năm qua...

Với giọng khá bức xúc, ông Nguyễn Đình Đảng (KP.6, P.An Khánh) đề nghị UBND TP.HCM trả lại đất cho dân chứ không cần “hỗ trợ, đền bù”.

Ông Đảng khẳng định ngoài 4,3 ha ở KP.1, P.An Khánh mà TTCP khẳng định nằm ngoài ranh thì 5 khu phố thuộc hai phường An Khánh và Bình Khánh cũng nằm ngoài ranh dự án. Người dân có đủ cơ sở pháp lý để chứng minh điều này và lãnh đạo TP cần thực tâm để sửa sai chứ không được né tránh hay đối phó với dân.

“Tôi đưa ra dẫn chứng ngày 18.10, các anh mời 30 hộ để thương lượng khu 4,3 ha nằm ngoài ranh. Tôi xin hỏi làm sao các anh biết các hộ đó nằm ngoài ranh để mời về. Trong số hộ các anh mời, chỉ có 5 hộ nằm ngoài ranh thôi, các hộ còn lại đã nhận tiền đi rồi. Các anh mời họ về để tạo dư luận đồng thuận...”, ông Đảng nói.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trò chuyện với người dân tại buổi tiếp xúc Ảnh: Ngọc Dương

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Hậu (P.Thủ Thiêm) đề nghị xem xét chính sách tái định cư. Theo ông, chính sách đền bù ở dự án Thủ Thiêm trái với Nghị quyết 18 do Bí thư Thành ủy thời bấy giờ là ông Trương Tấn Sang ký nêu rõ phải đảm bảo quyền lợi cho người dân tái định cư. “Điều này làm cho nhiều hộ dân điêu đứng hơn 20 năm qua vì không có chỗ ăn ở, sinh sống đàng hoàng. Có người dân khiếu nại khi tóc còn xanh mà nay bạc trắng hết rồi”, ông Hậu bức xúc.

Xử lý đích đáng cá nhân sai phạm

Trao đổi với người dân, ông Nguyễn Hồng Điệp cho biết không thể dựa vào một buổi tiếp xúc là có thể giải quyết được vụ việc ở Thủ Thiêm. Qua 3 lần dự tiếp xúc người dân Thủ Thiêm, ông Điệp đề nghị với những lỗi lầm có thể tha thứ được thì người dân rộng lòng tha thứ cho chính quyền bởi “chính quyền không phải cái gì cũng đúng hết”, từ đó chính quyền cùng người dân giải quyết, đảm bảo ổn định cuộc sống cho bà con Thủ Thiêm.

“Tôi đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Q.2 trong quá trình giải quyết vụ việc phải có những giải pháp để cuộc sống của bà con đỡ vất vả hơn. Ngoài ra, chính quyền cố gắng xử lý để người dân có chỗ ở ổn định trước tết. Phải hành động cụ thể, đó mới là lời xin lỗi chân thành nhất”, ông Điệp nói.

Người dân đề đạt yêu cầu với ông Nguyễn Hồng Điệp. Ảnh: Độc Lập

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định sau khi Thủ tướng chỉ đạo thực hiện kết luận của TTCP, UBND TP nhanh chóng có kế hoạch thực hiện và lắng nghe người dân để bổ sung, hoàn thiện chính sách bồi thường hỗ trợ chính đáng cho bà con. “Vừa qua TP có tổ công tác để đưa ra giải pháp cho bà con nhưng vẫn cần tiếp xúc, lắng nghe thêm ý kiến của người dân. Mặc dù đã đề ra 10 chính sách nhưng nếu người dân chưa đồng tình, bổ sung thêm... thì sẽ còn lấy ý kiến thêm chứ chưa dừng lại ở đây, để hoàn thiện chính sách. Chúng ta phải cùng hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm”, ông Phong nói.

Về đề nghị của người dân thành lập đoàn liên ngành thanh tra toàn bộ dự án Thủ Thiêm, ông Phong nhấn mạnh TP.HCM tiếp xúc người dân để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Đối với diện tích 4,3 ha ngoài ranh, để sửa sai ông Phong cho hay qua các cuộc tiếp xúc với người dân và đề ra những chính sách, có báo cáo cụ thể. Nhưng qua một số cuộc tiếp xúc, người dân nêu không chỉ 4,3 ha nằm ngoài ranh còn có KP.1, KP.2 (P.Bình Khánh) và KP.5, KP.6 (P.An Khánh) nữa cũng ngoài ranh. Ông Phong khẳng định sẽ báo cáo về ý kiến chưa đồng thuận của người dân. Có thể sau khi nhận báo cáo, Thủ tướng sẽ giao đoàn công tác xem xét bởi vấn đề này vượt quá thẩm quyền của TP.

Ông Phong cũng cho biết sẽ rà soát lại chính sách cho 115 hộ dân, những hộ chưa nhận bồi thường, nhận bồi thường nhưng cho rằng chưa thỏa đáng… Sau đó, UBND TP sẽ tổng hợp báo cáo Thường vụ Thành ủy. Xoay quanh vấn đề 160 ha, ông Phong khẳng định trong quá trình xem xét, rà soát lại thì “cái nào sai phải sửa, liên quan trách nhiệm của ai thì phải xử lý”.

“Khi có chỉ đạo của Thủ tướng, lập tức UBND TP.HCM triển khai thực hiện ngay chứ không chần chừ. Bởi dự án Thủ Thiêm kéo quá dài, ảnh hưởng rất nhiều đến người dân. Dù không trực tiếp giải quyết, xử lý bức xúc người dân trước đây nhưng tôi có hai năm làm Bí thư Quận ủy Q.2 nên hiểu rõ điều này. Để kéo dài thì ảnh hưởng đến sự phát triển của TP nữa”, ông Phong nói và nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề Thủ Thiêm dựa trên cơ sở lợi ích của người dân, những cá nhân sai phạm liên quan dự án sẽ bị xử lý đích đáng.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một “siêu dự án” có đến gần 15.000 hộ dân thuộc diện đền bù, giải tỏa với hơn 60.000 nhân khẩu đã di dời. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trong 22 năm triển khai quy hoạch Thủ Thiêm (tính từ khi Thủ tướng ký Quyết định số 367 phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm vào thời điểm 4.6.1996), việc phát sinh khiếu nại, tố cáo xảy ra gần 20 năm qua, khi TP.HCM tiến hành thu hồi đất. Các khiếu nại, tố cáo phát sinh "đỉnh điểm" kéo dài từ giai đoạn 2004 đến nay, chủ yếu liên quan đến ranh quy hoạch, chính sách đền bù giải tỏa còn một số bất cập mà người dân cho là chưa thỏa đáng, vi phạm quy định pháp luật về đất đai.

Liên quan đến những khiếu nại, tố cáo của người dân Thủ Thiêm, trong một thời gian dài TTCP đã có 4 báo cáo kết luận; các bộ, ngành cũng có hàng loạt văn bản đề nghị giải quyết. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã 14 lần có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND TP.HCM giải quyết đúng pháp luật.

Tuy nhiên, cho đến ngày 7.9 vừa qua, khi TTCP ban hành thông báo kết luận số 1483, tái khẳng định nhiều sai phạm xảy ra ở Thủ Thiêm, việc khiếu nại của người dân "là có cơ sở", đồng thời kiến nghị giải quyết cụ thể nhiều nội dung, chính quyền TP.HCM mới chính thức triển khai kế hoạch "giải quyết vấn đề Thủ Thiêm" một cách có hệ thống.

T.Hiếu - Đ.Phú - N.Lê (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.