Dự án cao ốc tại 136 Hồ Tùng Mậu (Từ Liêm, Hà Nội) nằm trong danh sách bị kiểm tra việc sử dụng đất do chậm triển khai. Ảnh: L.H.V
Nên thu hồi hay đánh thuế?
Trước thực trạng dự án bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí lớn, Bộ Xây dựng và các địa phương đang đẩy mạnh thanh tra, thu hồi một số dự án sai phạm. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có quyết định kiểm tra việc sử dụng đất của 727 dự án trên toàn địa bàn. Còn tại TPHCM, Đà Nẵng… cũng đang có những động thái mạnh tay với những dự án này.
Trao đổi với Tiền Phong, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng, tại các địa phương, số dự án chậm triển khai có thể bị thu hồi không ít, nhưng số bị thu hồi thực tế không nhiều. Lý do, theo ông Võ, nhiều dự án chủ đầu tư đã bỏ vốn vào triển khai một phần hoặc ít nhất là đã giải phóng mặt bằng. Nếu thu hồi, ngân sách không thể hoàn trả những khoản đã đầu tư đó, chưa kể các dự án đã bị đem thế chấp, huy động vốn của các nhà đầu tư, khách hàng…
“Giải pháp tốt nhất là đánh thuế với những dự án chậm triển khai trên 1 năm. Nên đánh thuế lũy tiến, càng để chậm thuế càng cao”, ông Võ đề xuất.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nêu quan điểm, cần phân loại dự án để có cách xử lý thích hợp, lý do chậm triển khai là gì, dự án ở khu vực nội thành hay ngoại thành…
Đồng thời, nếu thu hồi cần có kế hoạch sử dụng khu đất đó (như làm công viên, bãi đỗ xe, giao chủ đầu tư khác…). “Thu xong vẫn để làm nhà ở không nên thu, do chẳng đơn vị nào dám nhận để đầu tư vào lúc này, rồi khu đất đấy lại để hoang”, ông Liêm nói.
Về đề xuất đánh thuế thay cho thu hồi, ông Liêm cho rằng, không nên thu. “Bỏ hoang không phải là nguyện vọng của chủ đầu tư, do chủ đầu tư khó khăn về tài chính nên chưa triển khai được. Giờ đánh thuế chỉ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn, dự án vẫn nằm đấy”, ông Liêm nói. Theo ông, việc đánh thuế chỉ nên áp dụng ở thời điểm thị trường BĐS còn tốt.
Thu xong làm gì vẫn phải đợi
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, khi thanh tra và thực hiện thu hồi các dự án bỏ hoang đã tính tới nguy cơ thu xong lại bỏ hoang. “Chúng tôi đã có đề xuất với lãnh đạo thành phố phương án xử lý các dự án đã thu hồi. Nhưng thành phố chưa trả lời nên chưa nói được gì”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, do kinh tế khó khăn, thị trường BĐS đi xuống nên chủ đầu tư phải bỏ dở dự án, giờ nhà nước thu hồi lại bỏ hoang tiếp cũng không được. Vì vậy, chỉ thu hồi do chủ đầu tư cố tình chây ỳ hoặc không có động thái gì triển khai dự án.
Còn trường hợp do khó khăn kinh tế, cơ chế thay đổi sẽ xem xét tạo điều kiện cho chủ đầu tư có thêm thời gian huy động vốn triển khai dự án. “Không phải cứ thấy đất bỏ không 24 tháng là vào thu hồi”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Năm 2013, Hà Nội đã thu hồi trên 10 dự án, trong đó BĐS chiếm hơn 80%. Theo ông Nghĩa, việc sử dụng sau thu hồi những dự án đó sẽ theo quy hoạch từng khu vực cụ thể. Như quy hoạch vùng sản xuất sẽ tiếp tục cho sản xuất; chưa giải phóng xong mặt bằng sẽ trả lại đất cho người dân sản xuất; nếu đã giải phóng xong mặt bằng, phù hợp quy hoạch sẽ chuyển sang mục đích công cộng (trường học, bãi đỗ xe, công viên)…
Đại diện Sở TN&MT Hà Nội cũng không đồng tình với phương án thu thuế dự án bỏ hoang, vì chỉ “bồi” thêm khó khăn cho doanh nghiệp.