Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017, trong đó có việc kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước ở mức 3,5%GDP, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017 theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Tiết kiệm triệt để ngay từ khâu phân bổ ngân sách
Trong đó, tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.
Cụ thể, thực hiện phân bổ, giao dự toán chi đầu tư XDCB theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và Nghị quyết Quốc hội và tập trung triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu năm.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc (nếu có) để kịp thời xử lý. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư; nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; không để phát sinh nợ đọng XDCB mới.
Quản lý chặt chẽ, chi trong cân đối NSNN đối với các nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô, phí đảm bảo hàng hải, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết Quốc hội. Điều hành chi trong phạm vi dự toán chi được giao và tiến độ một số nguồn thu gắn liền với dự toán chi đầu tư phát triển (thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết,...).
Các địa phương bố trí chi trả nợ lãi trong chi cân đối NSĐP; chi trả nợ gốc ngoài chi cân đối NSĐP, được bố trí từ nguồn vay, bội thu NSĐP cấp tỉnh, kết dư NSĐP cấp tỉnh và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi theo quy định. Đảm bảo bố trí đủ vốn từ NSĐP cho các dự án, chương trình được NSTW hỗ trợ một phần để thực hiện các mục tiêu dự án, chương trình.
Từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi thường xuyên; tiết kiệm triệt để ngay từ khâu phân bổ và trong quá trình thực hiện; giảm tối đa và công khai các khoản chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; mở rộng thực hiện khoán xe ô tô công đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm. Tổ chức triển khai mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung theo quy định.
Các bộ, cơ quan trung ương chủ động sắp xếp, cân đối nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở lên 1,3 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2017. Các địa phương thực hiện cơ chế tạo nguồn tiền lương theo chế độ. NSTW đảm bảo kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (đối tượng do NSNN đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công. Đối với những địa phương ngân sách khó khăn, sau khi thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương mà vẫn không cân đối được nguồn, NSTW hỗ trợ một phần kinh phí tiền lương tăng thêm năm 2017.
Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp của mình để xử lý phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh; cân đối ngân sách trong trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán theo quy định.
Công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện các giải pháp khác như: Tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Triển khai quyết liệt công tác thu NSNN, quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định. Tăng cường công tác quản lý giá, thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, cần đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN; thúc đẩy phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, hoạt động đặt cược, casino, trò chơi có thưởng; đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu, đảm bảo đúng chính sách, chế độ quy định; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán...
Trên cơ sở kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 và dự báo bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN năm 2017 là 1,21 triệu tỷ đồng. Dự toán chi NSNN là 1,39 triệu tỷ đồng. Dự toán bội chi NSNN là 178.000 tỷ đồng (3,5%GDP. Nhiệm vụ huy động trong năm 2017 là 340.000 tỷ đồng, trong đó để bù đắp bội chi 184.000 tỷ đồng, để trả nợ gốc 156.000 tỷ đồng. "Để xử lý những quan ngại về bền vững tài khóa trong trung hạn, Kế hoạch tài chính trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2016 đặt mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống còn 3,5% GDP năm 2020. Điều quan trọng hiện nay là phải có các biện pháp chính sách cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu trên nhằm điều chỉnh có chất lượng thông qua cân đối giữa các biện pháp thu và chi kết hợp đồng thời chú trọng nâng cao hiệu suất chi tiêu, thay vì cắt giảm đồng loạt chi tiêu và đầu tư được phép chủ động"- Ngân hàng Thế giới tại VN. |