Vướng thủ tục 3 bên…
Theo khảo sát mới nhất của Ban chỉ đạo triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thuộc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Dương, đến thời điểm này mới có 1 hợp đồng giải ngân vốn để mua NƠXH với số tiền dưới 100 triệu đồng. Trong khi đó, cũng đã có gần 300 hồ sơ mong muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đã gửi đến các ngân hàng thương mại, tuy nhiên các hồ sơ hiện chỉ ở mức xem xét thủ tục.
Ông Nguyễn Trường Chinh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Dương kiêm Trưởng ban chỉ đạo triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tại Bình Dương cho biết, vừa qua Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Dương đã rà soát tại các ngân hàng được giao chỉ định triển khai gói tín dụng dụng hỗ trợ để tìm hiểu việc giải ngân các hợp đồng cho vay mua NƠXH và các dự án nhà ở khác. Kết quả rà soát cho thấy đã phát sinh thêm các khó khăn, vướng mắc, đó là thủ tục ký kết giữa 3 bên (người mua NƠXH, ngân hàng và chủ đầu tư) trong đó hai bên là khách hàng gồm người vay và ngân hàng đã gặp nhau, nhưng để đi đến ký kết với chủ đầu tư xây nhà là chuyện còn dài và cần một quá trình mất rất nhiều thời gian. Qua xác minh cho thấy, ngân hàng mong muốn chủ đầu tư chỉ chỗ, vị trí căn nhà để đưa vào hợp đồng có điều khoản nhằm thực hiện ký kết để giải ngân vốn. Tuy nhiên, chủ đầu tư NƠXH tuy có quỹ đất nhưng chưa có căn hộ, vị trí số nhà nên cũng khó ký kết với hai bên là ngân hàng và người mua nhà.
Không chỉ vậy, một số chủ đầu tư NƠXH cũng muốn “cầm cán” chứ không muốn nắm “đằng lưỡi”. Do đó, các chủ đầu tư muốn ngân hàng đặt chỗ, giải ngân vốn trước khi triển khai xây dựng rồi mới bàn giao nhà. Đây cũng là trở ngại lớn cho khách hàng muốn mua nhà vào lúc này. Vì trên thực tế ràng buộc hồ sơ của các ngân hàng chỉ khi đã xác định vị trí căn hộ từ phía chủ đầu tư mới được cho là hồ sơ đủ điều kiện, hoàn thiện thủ tục để được giải ngân.
Ông Chinh cho biết thêm, ngoài những ràng buộc trên, hiện người muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng từ các ngân hàng cần phải có thủ tục chứng minh tạm trú là KT3 dài hạn, giấy xác nhận tình trạng chưa có nhà ở… Từ quy định này nên gần 300 hồ sở gửi đến ngân hàng đa phần vướng vào hai thủ tục trên, nên đã gây khó cho nhiều người muốn mua nhà do không đủ điều kiện được vay.
Thiếu sức hút với người lao động
Với điều kiện khá thoải mái sau khi bỏ ràng buộc không chứng minh thu nhập như trước đây là có mức thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng mới được mua nhà, đã tạo cơ hội cho gần cả triệu người lao động, công nhân ở vùng đất công nghiệp ở Bình Dương có mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng thực hiện ước mơ có nhà ở tại vùng đất công nghiệp này.
Ông Nguyễn Đình Phục, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh tỉnh Bình Dương - một trong ngân hàng chịu trách nhiệm giải ngân trong gói 30.000 tỷ đồng cho biết, theo tính toán NƠXH ở Bình Dương có giá trên 100 triệu đồng/căn 30m2 (do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex IDC làm chủ đầu tư), người mua chỉ cần tích lũy hàng tháng khoảng 1 triệu đồng là có thể mua được nhà. Bởi hiện nay, theo quy định người mua NƠXH nếu vay nguồn vốn ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thì được hỗ trợ đến 80% nguồn vốn vay trên tổng giá trị căn nhà, nên người lao động có mức tổng thu nhập 3 - 4 triệu đồng, trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt còn dư khoảng 1 triệu đồng là đủ trả góp hàng tháng cho ngân hàng trong vòng 10 năm. “Thậm chí 3 - 4 công nhân hùn nhau mua nhà thì chỉ đóng góp hàng tháng khoảng 200.000 - 300.000 đồng/người thì có thể sở hữu được một căn hộ nhà ở an sinh xã hội tại Bình Dương có giá trên 100 triệu đồng” - ông Phục nói.
Có thể nói, với điều kiện trên, nhiều người làm chính sách về hỗ trợ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kỳ vọng sẽ tạo ra một cơn “sốt” về mua nhà ở trong giới công nhân, người lao động trên vùng đất công nghiệp Bình Dương. Thế nhưng, điều khiến những người làm chính sách hết sức bất ngờ là việc triển khai mua NƠXH không như kỳ vọng, thậm chí giới công nhân, người lao động đã thờ ơ, thiếu mặn mà về việc mua nhà.
Qua tìm hiểu thực tế, hầu hết công nhân chưa nắm rõ và hiểu biết tường tận về chính sách ưu đãi mua NƠXH này. Trong đó cũng không ít người có nhu cầu nhưng vì vị trí để mua căn nhà giá rẻ quá xa nơi làm việc và bất tiện hơn so với ở trọ.
Anh Nguyễn Thế Hùng, công nhân của Công ty gỗ Sao Nam tại khu công nghiệp Nam Tân Uyên - Bình Dương chia sẻ, anh rất muốn có nhà ở để ổn định gia đình sau khi cưới vợ. Với số tiền thuê trọ 700.000 đồng/tháng tại xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên hiện nay cũng đủ cho anh trả góp để mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, do khu nhà ở giá rẻ cách xa nơi anh làm việc, đi lại cũng khó khăn nên anh ngại mua. Hơn nữa, chính bản thân anh cũng không biết công việc của mình có ổn định lâu dài hay không để duy trì trả tiền lãi cho ngân hàng nếu được mua nhà ở xã hội.
Được biết, tỉnh Bình Dương hiện có trên 16.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần giải quyết việc làm cho trên 1 triệu lao động; trong đó, có trên 700.000 lao động đến từ các địa phương khác. Dự kiến đến năm 2015, tổng số lao động trong tỉnh trên 1,2 triệu người; trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm trên 850.000 người. Do vậy, việc giúp cho người lao động có cơ hội tốt nhất để sở hữu căn nhà, ổn định cuộc sống, an cư lập nghiệp lâu dài ở tỉnh Bình Dương là vấn đề cần thiết. Và giải pháp thiết thực từ gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giải quyết bài toán cho gánh nặng của tỉnh Bình Dương về chỗ ở cho người lao động. Tuy nhiên, khi việc ràng buộc quá khắt khe từ các ngân hàng và thủ tục ký kết ba bên đã tạo thêm “rào cản” mới đối với người công nhân, lao động muốn có nhà ở, thì giải pháp thiết thực nhất để người lao động có thể tiếp cận tốt hơn với gói hỗ trợ của Chính phủ vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.