19/11/2020 1:38 PM
CafeLand - Hạ tầng được đầu tư ngày càng bài bản và hiện đại, người dân ngoài tỉnh nhập khẩu vào thành phố có xu hướng tăng cùng với việc gia tăng dân số cơ học, trong khi quỹ đất ở thì có giới hạn,…. là những nguyên nhân giải mã sự hấp dẫn của thị trường bất động sản thời gian qua.

Người ngoài tỉnh nhập khẩu vào Đà Nẵng có xu hướng tăng

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký Báo cáo số 312/BC – UBND về việc tổng kết tình hình thực hiện Đề án Phân bổ dân cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2020.

Diện mạo đô thị Đà Nẵng đổi thay rõ nét theo thời gian

UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, theo báo cáo từ Công an thành phố Đà Nẵng, tính đến tháng 7/2020, tổng số hộ khẩu, nhân khẩu cư trú 280.961 hộ, 1.121.267 nhân khẩu. Từ năm 2013-2020 số lượng nhân khẩu từ ngoài tỉnh nhập khẩu vào thành phố có xu hướng tăng.

Thành phố Đà Nẵng đã tập trung thực hiện Đề án “Có nhà ở” và Đề án “7.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp”, huy động nhiều nguồn lực xây dựng nhà ở chung cư để bố trí cho các hộ chính sách, hộ nghèo chưa có chỗ ở ổn định, các hộ tái định cư, các đối tượng hưởng lương từ ngân sách; khuyến khích đầu tư xây dựng ký túc xá cho sinh viên, các chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Các khu dân cư mới, khu tái định cư và khu thu nhập thấp hầu hết được tập trung hoàn thành cơ sở hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch.

Có thể kể đến như, đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng 208 khối nhà với 12.740 căn hộ; Khu ký túc xá tập trung phía Đông và phía Tây (phường Hòa Khánh Nam) với 1.146 phòng; 2 block (7 tầng) và 3 block (9 tầng) Chung cư thu nhập thấp tại khu tái định cư Phước Lý; 142 căn hộ dự án Chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh.

Mở rộng phát triển các khu đô thị, khu dân cư ngoại thành nhằm giảm sức ép về dân cư, nhà ở trong nội thành, thành phố đã ban hành các Quyết định về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch 7 phân khu trên địa bàn thành phố với quy mô 52.367 ha, dân số tính toán đến năm 2030 là 2.486.908 người, theo đó định hướng phát triển đô thị đến năm 2030 theo quy hoạch chung về phía Tây, Tây Nam, Nam thành phố. Các khu đô thị Hòa Xuân, Đồng Nò, Golden Hill, Bàu Tràm, các khu TĐC Hòa Liên,... nhằm giãn mật độ dân số khu vực nội thành.

Thực hiện chủ trương tái thiết các khu đô thị cũ không đảm bảo đáp ứng hạ tầng, thành phố đã tập trung thực hiện các công trình tại các nút giao thông để giải quyết vấn đề kẹt xe, xúc tiến dự án di dời ga đường sắt để tái phát triển khu vực ga cũ, phê duyệt quy hoạch xác định lộ giới và các quy định về xây dựng tại các kiệt, hẽm trên địa bàn thành phố và đầu tư nâng cấp các dịch vụ cơ bản về chiếu sáng, cấp thoát nước, vệ sinh…

Chưa hết, trong giai đoạn 2013 - 2020, trên địa bàn thành phố ước 28.600 doanh nghiệp, với 365.925 lao động, trong đó có 475 doanh nghiệp/dự án hoạt động trong các khu công nghiệp với 76.520 lao động, chiếm 20,91% so với tổng lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Hạ tầng được đầu tư ngày càng bài bản và hiện đại

UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách thành phố giai đoạn 2013-2020 ước 61.251 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện vai trò “làm vốn mồi” kích thích và tạo tác động gián tiếp để thu hút khu vực ngoài nhà nước đầu tư vào thành phố, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là đẩy mạnh đầu tư các công trình động lực, trọng điểm, an sinh xã hội, môi trường, giảm ùn tắc giao thông, đê kè cấp bách,… khu vực tư nhân không thể tham gia đầu tư.

Kinh tế ban đêm sẽ là động lực phát triển mới của Đà Nẵng trong giai đoạn sắp tới

Thành phố đã tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấpchỉnh trang đô thị; cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư đầu tư phát triển mạnh và khá đồng bộ; các công trình động lực trọng điểm được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công đưa vào sử dụng hiệu quả, nhất là việc triển khai thực hiện các dự án động lực, trọng điểm.

Trong thời gian qua, nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Nút giao thông Ngã Ba Huế, Đường Hoàng Văn Thái nối dài, đường vành đai phía Nam, đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (do Trung ương đầu tư) Nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Lê Độ, Nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng (Trung ương đầu tư), Sân vận động Hòa Xuân 20.000 chỗ ngồi (khu liên hợp thể thao), Cải tạo nâng cấp Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa Khoa (giai đoạn 1), Trường Tiểu học Lý Tự Trọng,

Một số công trình lớn đang được triển khai như: Nhà máy nước Hòa Liên, Cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, Tuyến đường Trục I Tây Bắc, Nâng cấp cải tạo đường ĐT 601, Tuyến đường liên xã Hòa Phú - Hòa Ninh, Nâng cấp, cải tạo Trạm xử lý nước thải Phú Lộc (giai đoạn 2), Cải thiện Môi trường nước phía Đông thuộc quận Sơn Trà, Tuyến ống thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành, Cải tạo, nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình Bệnh viện Đà Nẵng, Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng (giai đoạn 2), Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng,…

Ngoài ra, một số dự án đang được xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định như: Đầu tư xây dựng bến Cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng, Khơi thông sông Cổ Cò, nạo vét lòng sông, kè gia cố dọc sông, cải tạo cảnh quan các tuyến đường ven sông, nâng cấp cầu Biện, Trung tâm y tế quận Sơn Trà, Trung tâm y tế quận Cẩm Lệ, Đầu tư nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Trường THPT Hòa Vang (cơ sở 2), Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, Nâng cấp, cải tạo Bệnh viện Phụ sản - Nhi (nâng từ quy mô 600 giường lên quy mô 1.000 giường), Mở rộng Bệnh viện Phụ sản – Nhi, Bệnh viện Đà Nẵng cơ sở 2 - Hòa Quý, Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại Bãi rác Khánh Sơn, Nâng cấp, cải tạo Hệ thống xử lý nước rỉ rác tại Bãi rác Khánh Sơn - giai đoạn 2…

Cũng trong giai đoạn từ năm 2013 đến tháng 8/2020 thành phố có 668 dự án FDI được cấp mới và tăng vốn, với tổng vốn đầu tư 1,379 tỷ USD. Lũy kế đến tháng 9/2020 thành phố có 869 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 3,508 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tình hình thu hút vốn đầu tư trong nước trong giai đoạn từ năm 2013 đến ngày 15/9/2020 đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 31.135 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 136,49 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến 15/9/2020 trên địa bàn thành phố hơn có 32.160 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đạt hơn 219,914 nghìn tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn giai đoạn 2013-2020 huy động ước đạt hơn 274,5 nghìn tỷ đồng, mỗi năm đều tăng và vượt so với kế hoạch đề ra.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: da nang
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.