Từ đầu năm đến nay, tại nhiều khu vực của Hà Nội, giá đất tăng trung bình từ 15 đến 30%. Nhìn vào mức tăng giá, không ít người cho rằng, Hà Nội đang lên cơn sốt đất, nhưng theo dõi diễn biến chi tiết của thị trường, không khó để nhận ra rằng, đây chỉ là cơn sốt ảo.

Điều khó hiểu nhất là thị trường bất động sản Hà Nội tuy tăng giá bán, nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn về vốn. Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Chủ nhiệm Khoa Bất động sản và Địa chính (Trường đại học Kinh tế quốc dân), lãi suất ngân hàng cao, tỷ giá đô la cũng tăng và nhất là chính sách siết chặt vốn đối với bất động sản là những “đòn chí tử” đối với thị trường bất động sản. Thế nhưng, thị trường địa ốc Hà Nội vẫn có những dự án, khu vực có giá bán tăng cao thì quả là khó hiểu.

Ông Paul James, Tổng giám đốc Công ty Quản lý dự án VinaProjects cũng nhận định, thị trường bất động sản đang trầm lắng và tiến độ xây dựng nhiều dự án bất động sản chậm lại là do ảnh hưởng của lạm phát và lãi suất vay vốn cao. Dự báo, thị trường chỉ cải thiện khi lãi suất được điều chỉnh.

Trên thực tế, tại một số dự án nhà ở tăng giá mạnh, giá đất liền kề tại một số dự án ở khu vực phía Tây Hà Nội cũng tăng cao hơn so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, giao dịch chủ yếu diễn ra giữa các nhà đầu tư, rất hiếm có sự xuất hiện của những người có nhu cầu thực, vì giá bất động sản quá cao, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người.

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, giao dịch trên thị trường có thể chia làm hai trạng thái: giao dịch nhiều, nhưng giá tương đối ổn định và giao dịch nhiều nhưng xen kẽ đầu cơ, có khả năng gây ra sốt giá. Đáng chú ý là, tình trạng sốt ảo, sốt cục bộ vẫn thường xuyên xảy ra tại thị trường Hà Nội, nhất là tại các khu vực có đột biến về quy hoạch, bởi có quá nhiều người tập trung đầu tư.

Sự tăng giá đất bất thường và cục bộ ở một số dự án trong bối cảnh hiện nay là đáng lo ngại, không bền vững, hay nói cách khác là giá trị bất động sản tăng không tương xứng với quy luật. Sự tăng giá này chủ yếu do yếu tố đầu cơ (mua đi bán lại, sang tay giữa nhiều chủ đầu tư).

Hiện cơn sốt đất đang có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Biểu hiện đầu tiên là tại khu vực Sóc Sơn, sau gần 2 tháng bị đẩy giá, giá đất đã giảm và giao dịch chậm. Giới đầu tư đã bắt đầu tháo chạy sau khi kiếm khoản lợi nhuận kha khá. Giao dịch cũng đang đóng băng tại các khu vực xã Thanh Xuân, Minh Trí, Minh Phú…, nơi mà cách đây 2 tháng, giá đất “bỗng dưng” tăng gấp 1,5-2 lần.

Theo ông Võ, để “điều trị” cơn sốt đất, phải tìm cách ngăn chặn tình trạng đầu cơ. Nếu đầu cơ vượt ngưỡng thì ngay lập tức sẽ thổi giá lên, nhưng nếu kiểm soát được đầu cơ thì giá sẽ ổn định. Có thể kiểm soát đầu cơ bằng công cụ thuế, chính sách về công khai, minh bạch thị trường, kiểm soát kỹ thông tin các dự án. Kiểm soát qua nguồn vốn, chỉ cho nhà đầu tư thực sự vay vốn, cũng là một trong những biện pháp ngăn đầu cơ.

Cafeland.vn - Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.