Trước
tình hình thị trường bất động sản (BĐS) đang gặp nhiều khó khăn, mới
đây Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) đã có công văn gửi các cơ quan
chức năng để kiến nghị hàng loạt giải pháp nhằm giải cứu thị trường nhà
đất.
Hạ lãi suất
Sau
khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Văn bản số 8844 về hoạt động tín dụng
trong các tháng cuối năm 2011, trong đó, một số khoản vay của người mua
nhà trả bằng tiền lương, tiền công hay những dự án được đưa vào sử dụng
trước ngày 1-1-2012 sẽ thuộc nhóm đối tượng đưa ra khỏi phi sản xuất.
Ngoài
ra, trong đó còn cho phép những trường hợp người vay mua nhà trả bằng
tiền lương, tiền công, một số ngân hàng đã lập tức công bố chương trình
cho vay cá nhân mua nhà. Hiện lãi suất cho vay mua nhà đất xuống còn
19%/năm, so với trước đây trung bình từ 20% đến 22%/năm, thậm
chí có ngân hàng lên đến 25%/năm.
Các tranh chấp, khiếu nại giữa khách hàng với chủ đầu tư chung cư khiến cho thị trường căn hộ càng thêm ảm đạm. Ảnh: C.T.V
Tuy vậy, Horea cho
rằng cần chú ý thêm đến việc mở “van” tín dụng cho cả các doanh nghiệp
BĐS, do đó đề nghị UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ không xếp ngành BĐS
vào nhóm dịch vụ phi sản xuất, mà xếp vào ngành sản xuất kinh doanh có
điều kiện như Luật Doanh nghiệp đã xác định. Bởi lẽ, ngành BĐS sử dụng
trung bình từ 17 đến 20 công lao động để có 1m2 sàn xây dựng, sử dụng
nguyên vật liệu, nhiên liệu (xi măng, sắt thép, điện, xăng dầu, vật liệu
xây dựng…) tạo việc làm cho nhiều ngành khác.
Cụ
thể hơn, Horea kiến nghị cho các doanh nghiệp BĐS đầu tư các dự án làm
nhà ở cho thuê giá thấp hoặc bán cho người có thu nhập trung bình, thu
nhập thấp; các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, nộp ngân sách đầy đủ; các
dự án đã hoàn thành đến 60%… thì vẫn được vay vốn tín dụng. Còn lãi suất
cho vay hiện nay quá cao, đề nghị Nhà nước có lộ trình giảm xuống mức
15% đến 16%/năm và duy trì ở khoảng 11% đến 12%/năm như trước đây để tạo
điều kiện cho thị trường BĐS phát triển ổn định và bền vững hướng tới
an sinh xã hội.
Hồi sinh việc chuyển nhượng
Hiện
nay, một vấn đề đang gây khó cho thị trường căn hộ chính là quy định
nhà phải có sổ hồng mới được chuyển nhượng thay vì được mua bán khi BĐS
thuộc dạng hợp đồng góp vốn. Horea đề nghị TP kiến nghị Bộ Xây dựng sửa
đổi khoản 6.a điều 18 Thông tư 16/2010/TT-BXD (ban hành ngày 1-9-2010:
“Nếu đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư thì phải thực hiện việc mua
bán nhà ở theo đúng thủ tục quy định của Luật Nhà ở và pháp luật về dân
sự (bên bán phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở do cơ quan có
thẩm quyền cấp, các bên phải lập hợp đồng mua bán nhà ở và nộp thuế cho
Nhà nước theo quy định)…” theo hướng cho phép chuyển nhượng các hợp đồng
mua bán căn hộ chung cư của các dự án nhưng chưa được cấp chủ quyền
theo quy định.
Lý
giải về việc này, Horea cho rằng: Người mua nhà ở không có lỗi trong
việc chưa được cấp giấy chủ quyền bởi trách nhiệm này thuộc về chủ đầu
tư và cơ quan Nhà nước. Chưa hết, việc không cho chuyển nhượng đã vi
phạm quyền sở hữu tài sản của công dân và làm thiệt hại quyền lợi của
chủ sở hữu và nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, ảnh hưởng đến tính thanh
khoản trên thị trường nhà đất.
Ngoài
ra, một số điều khoản khác có trong Nghị định 71/2010/NĐ-CP và Thông tư
16/2010/TT-BXD cũng cần sửa đổi. Cụ thể, những khách hàng mua căn hộ
chung cư trước ngày Nghị định 71 ban hành (ngày 23-6-2010) hiện đang gặp
khó khăn trong việc cấp sổ hồng do bị vướng mắc về cách tính diện tích.
Cho
dù hợp đồng mua bán xác định tường chung, tường bao thuộc sở hữu riêng
thì Nghị định 71 vẫn bắt tường chung, tường bao… của căn hộ thuộc sở hữu
chung. Chưa hết, trong Công văn 289/TCQLĐĐ-CĐKTK ngày 29-3-2011 của
Tổng cục Quản lý Đất đai lại cho rằng: “Nếu hợp đồng mua bán căn hộ xác
định tường chung, tường bao căn hộ là sở hữu riêng thì được tính là sở
hữu riêng của người mua căn hộ”. Do đó, vẫn còn xuất hiện mâu thuẫn
trong việc tính diện tích để cấp giấy chủ quyền.
Rộng cửa cho Việt kiều Theo
ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, TP nên kiến nghị Chính
phủ cho phép Việt kiều được sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam; cho phép
người nước ngoài được sở hữu căn hộ chung cư hoặc trong các khu vực
được quy hoạch cho người nước ngoài nghỉ dưỡng, cư trú phù hợp với thông
lệ quốc tế… để tăng nguồn “cầu” cho thị trường BĐS. Mặt
khác, tập trung mọi nguồn lực phát triển chương trình căn hộ cho thuê
giá rẻ, chương trình căn hộ bán trả góp dài hạn, nhà giá thấp cho người
thu nhập thấp. Ngoài ra, TP nên kiến nghị Bộ Xây dựng sớm trình Chính
phủ thông qua đề án thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư BĐS, quỹ
tín thác BĐS… để hỗ trợ phát triển thị trường tốt hơn. |