18/01/2011 10:06 AM
Xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, quản lý và sử dụng đất đai.
Tại buổi làm việc giữa Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM với Đoàn công tác Văn phòng Chính phủ về “Những vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, quản lý và sử dụng đất đai” vừa diễn ra tại TP.HCM, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã bày tỏ bức xúc về những quy định liên quan đến lĩnh vực hoạt động này.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, thời gian vừa qua, các chính sách và các quy định pháp luật về đất đai thay đổi liên tục, không nhất quán đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh bất động sản. “Thị trường bất động sản trầm lắng do chịu tác động trực tiếp của Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, nhất là việc quy định 20% số lượng nhà bán của dự án không qua sàn giao dịch bất động sản và quy định chủ đầu tư chỉ được phân chia cho các hình thức huy động vốn không quá 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án”, ông Hưng nói. Hay như việc Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định chủ đầu tư cấp II không được quyền bán dự án ngay sau khi nộp tiền huy động vốn cho chủ đầu tư cấp I đã dẫn đến tình trạng chủ đầu tư cấp II bị giam vốn, nên không khuyến khích các công ty thứ cấp tham gia thị trường.

Khó khăn nữa là việc thực hiện quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP. Việc bồi thường giải phóng mặt bằng và nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường như quy định của nghị định này gây khó khăn cho doanh nghiệp, do chi phí tăng cao. Bên cạnh đó, theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP, doanh nghiệp phải mất ít nhất 6 tháng mới xong các thủ tục để được đóng tiền sử dụng đất, khiến dự án bị đình trệ.

Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Căn nhà Mơ ước (Dream House) cho biết, phần lớn công ty kinh doanh bất động sản mới ra đời từ cuối năm 2007 (khi cơn sốt đất mới bắt đầu xuất hiện), nên kinh nghiệm về kinh doanh trong lĩnh vực này chưa nhiều. Do đó, để lành mạnh thị trường bất động sản, ông Thành đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ nên cho những đơn vị kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp vay vốn…

Đại diện Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, theo đề tài nghiên cứu, hiện nay, 70 - 80% giao dịch bất động sản ở TP.HCM là giao dịch ngầm, làm tê liệt hai phân khúc nhà và đất trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cách nào để hạn chế giao dịch ngầm. Trong khi đó, thủ tục hành chính hiện quá vòng vo, trung bình một dự án phải mất 2,5 – 3 năm mới triển khai được, làm đội chi phí. Do vậy, để “giải cứu” thị trường bất động sản, trước hết, cần tháo gỡ khó khăn về thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng…

Đại diện Đoàn công tác Văn phòng Chính phủ cho biết, sẽ ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp để phục vụ việc tổng kết ba luật: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, để từ đó có những sửa đổi, bổ sung cần thiết.

Cafeland.vn - Theo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.