Ngày 28-2, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên và các chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông qua tỉnh này.
Được biết, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông qua tỉnh Phú Yên có hai dự án thành phần gồm đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh dài 42,1km và đoạn Chí Thạnh - Vân Phong dài 48,1km. Dự án này được khởi công vào ngày 1/1/2023 nhưng đến nay các nhà thầu mới chỉ làm lán trại, phòng thí nghiệm, nhà điều hành... khối lượng thi công thực tế chưa nhiều.
Giá vật liệu xây dựng ở Phú Yên đang cao gấp 2, gấp 3 các tỉnh lân cận
Ông Lê Quyết Tiến - quyền cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bộ Giao thông vận tải cho biết, qua rà soát, so sánh một số giá vật liệu chủ yếu cho dự án ở các địa phương Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đang có sự chênh lệch giá tương đối lớn.
“Ví dụ đá 1cm x 2cm Bình Định công bố giá 243.000 đồng/m3, Phú Yên công bố 459.000 đồng/m3; cấp phối đá dăm Bình Định công bố 127.000 đồng/m3 nhưng Phú Yên 299.000 đồng/m3; cát tại Bình Định có giá 95.000 đồng/m3, còn Phú Yên là 190.000 đồng/m3; đất tại Bình Định công bố 30.000 đồng/m3, còn Phú Yên là 120.000 đồng/m3" - ông Tiến cho hay.
Tại buổi làm việc, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu cũng đã phản ánh giá vật liệu thực tế ngoài thị trường tại các mỏ ở tỉnh Phú Yên đang cao gấp 2, gấp 3 lần so với giá dự toán độc lập. Cụ thể, giá cát của tỉnh Phú Yên công bố 190.000 đồng/m3 đã cao, nhưng khảo sát giá từ chủ mỏ còn cao hơn, đến gần 300.000 đồng/m3.
Trả lời việc giá vật liệu tăng gấp 2, gấp 3 lần các tỉnh lân cận như các đơn vị thi công phản ảnh, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên khẳng định, các mỏ mua sẵn hiện nay niêm yết bán theo giá công bố của Sở Xây dựng. Nếu có chứng cứ việc chênh lệch giữa giá niêm yết và giá bán thì đề nghị các nhà thầu báo ngay về cho Sở Xây dựng để xử lý ngay.
Trước thực trạng giá vật liệu xây dựng tăng cao đột biến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng Phú Yên còn rất nhiều mỏ vật liệu xây dựng thông thường, nhưng giá công bố lại cao, chênh lệch quá lớn so với địa phương lân cận.
Thống nhất việc các mỏ đất phục vụ dự án là liên quan đến thỏa thuận giữa nhà thầu với chủ đất, nhưng ông Thắng đề nghị tỉnh phải cầm trịch. "Đơn giá đền bù thì Nhà nước đã có quy định rồi, nên nếu tăng cỡ 1,5 lần là kịch khung rồi, còn nâng cao 3-4 lần là không thể chấp nhận, là có vấn đề, nên công an tỉnh phải vào cuộc" - bộ trưởng đề nghị.
Ông Tạ Anh Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - thừa nhận: "Giá vật liệu xây dựng thông thường ở Phú Yên trước đây đã cao, chứ không phải khi làm đường cao tốc mới cao. Trong tuần tới UBND tỉnh sẽ mời hai ban quản lý, các nhà thầu, sở, ngành của tỉnh và các chủ mỏ làm việc về giá vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ dự án này" - ông Tuấn nói.
-
Sắt thép, cát tăng giá là "thủ phạm" đẩy chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao?
Việc giá thuê nhà tăng trở lại cũng như giá sắt thép, cát xây dựng leo thang đã khiến chỉ số giá vật liệu xây dựng tháng 2/2023 tăng 7,88% so với cùng kỳ năm trước.
-
Thủ tướng chỉ đạo nóng về vấn đề “sống còn” ảnh hưởng đến các dự án, công trình giao thông trọng điểm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao th...
-
Hơn 70% doanh nghiệp xây dựng không tiếp cận được các gói vay ưu đãi
Không có hợp đồng xây dựng mới và giá nguyên vật liệu tăng cao cùng với việc khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng trong quý 4.2023....
-
Nhìn lại năm 2023: Giá vật liệu xây dựng vẫn tăng cao dù thị trường ảm đạm
Dù tình hình tiêu thụ ảm đạm nhưng thị trường vật liệu xây dựng với hàng trăm sản phẩm từ sắt thép, xi măng cho đến các loại vật liệu hoàn thiện vẫn chịu nhiều áp lực tăng giá trong năm 2023....