Diễn biến giá vàng thế giới trong 1 tháng qua dựa trên giá vàng đóng cửa tại thị trường New York - Nguồn: Kitco.
Ngày thứ Sáu vừa rồi, giá vàng thế giới có phiên tăng mạnh nhất trong 2 tháng sau khi ông Bernanke có bài phát biểu tại hội nghị thường niên của FED ở Jackson Hole, Wyoming. Kết thúc tuần, giá vàng giao tháng 12 trên bộ phận COMEX của sàn NYMEX đạt mức 1.687,6 USD/oz, đánh dấu mức tăng gần 0,9% cho cả tuần. Tính chung cả tháng 8 này, giá vàng đã tăng 4,5%.
Tuần tới, thị trường tài chính Mỹ sẽ đóng cửa nghỉ lễ Lao động nên dự kiến, giá vàng sẽ không có nhiều biến động vào đầu tuần.
Trong cuộc thăm dò ý kiến chuyên gia dự báo giá vàng tuần tới do trang Kitco News tiến hành, có 15/24 người dự báo giá tăng, 6 người dự báo giá giảm và 3 người dự báo giá đi ngang. Tham gia cuộc thăm dò được trang tin kim loại quý này tổ chức hàng tuần là các công ty kinh doanh vàng, ngân hàng đầu tư, nhà giao dịch hàng hóa giao sau, nhà quản lý quỹ, chuyên gia phân tích kỹ thuật.
Trong hội nghị vừa diễn ra, ông Bernanke đưa ra những nhận định u ám về nền kinh tế và để ngỏ khả năng về một chương trình mua trái phiếu mới (QE3) để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy ông không đề cập tới việc khi nào thì chương trình sẽ được thực hiện nhưng giá vàng vẫn tăng mạnh sau phát biểu này.
Theo các nhà quan sát thị trường, trong tuần tới, trọng tâm chú ý của thị trường sẽ được chuyển sang cuộc họp của ECB, báo cáo việc làm tháng 8 của Mỹ và các thống kê kinh tế của Trung Quốc.
Vào ngày thứ Năm, ECB sẽ họp chính sách tiền tệ và thị trường sẽ chờ xem, liệu chương trình mua trái phiếu mà Chủ tịch ECB Mario Draghi nói đến hồi đầu tháng 8 sẽ được thực hiện hay chưa.
Ông Andy Busch, chiến lược gia về tiền tệ và chính sách công toàn cầu của công ty BMO Capital Markets, cho rằng, Chủ tịch ECB có thể sẽ bắt đầu chương trình mua trái phiếu luôn, hoặc cũng có thể chờ cho tới khi chính thức có lời cầu viện từ các quốc gia cần đến chương trình này. Trong trường hợp thứ nhất, vàng có thể tăng giá mạnh, còn trong trường hợp thứ hai, giá vàng có thể sẽ giảm.
Cũng trong ngày thứ Năm, số liệu GDP của Eurozone sẽ được công bố. Nếu số liệu này xấu, thì khả năng ECB hành động luôn sẽ cao hơn.
Vào ngày thứ Sáu, báo cáo việc làm tháng 8 của Mỹ sẽ được Bộ Lao động nước này công bố. Nhận định của ông Bernanke về “sự đình trệ của thị trường việc làm” khiến báo cáo này đóng vai trò quan trọng. Trong tháng 7, nước Mỹ có thêm 163.000 việc làm mới, và thị trường chờ xem liệu tốc độ tăng trưởng việc làm như vậy có được duy trì trong tháng 8.
Theo dự báo của trang MarketWatch, trong tháng 8, có khoảng 120.000 việc làm mới được tạo ra tại Mỹ, hạ tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ về 8,2%.
“Nếu số liệu thực tế xấu hơn dự kiến, thị trường sẽ kỳ vọng mạnh về một QE lớn được tung ra vào cuộc họp ngày 13/9 của FED. Còn nếu số liệu thực tế tốt hơn dự báo, các kỳ vọng về QE sẽ giảm”, ông Busch nói. Các kỳ vọng về QE3 chính là động lực tăng giá cho vàng trong thời gian gần đây.
Tuần tới sẽ có nhiều số liệu kinh tế của Trung Quốc được công bố như chỉ số quản lý sức mua ngành sản xuất, lạm phát, sản lượng công nghiệp, cán cân thương mại và bán lẻ.
Theo nhận định của Barclays Capital, nếu các số liệu kinh tế Trung Quốc xấu hơn dự báo, thì đó có thể sẽ là những tín hiệu tiếp theo về sự suy giảm các hoạt động kinh tế ở nước này, gây áp lực đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và giá của các tài sản rủi ro, trong đó có cả vàng. Hiện tại, giá vàng đang nghiêng về vai trò một tài sản rủi ro hơn là một “vịnh tránh bão” trong bối cảnh khủng hoảng nợ và suy giảm tăng trưởng toàn cầu.
Ông Jimmy Tintle, Giám đốc của công ty GreenKey Alternative Asset Services, nhận xét, các thống kê kinh tế Trung Quốc mới thực sự là những gì mà thị trường cần theo dõi.
“Nền kinh tế nước này hiện không khỏe mạnh cho lắm. Tôi cho rằng, tăng trưởng của Trung Quốc từ nay đến cuối năm còn giảm. Nếu vậy, giá vàng sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi. Tôi biết là thị trường đang mong giá vàng sẽ tăng vào cuối năm, nhưng nhu cầu vàng vật chất khó mà tăng được, vì nếu kinh tế Trung Quốc suy giảm, lạm phát sẽ yếu”, ông Tintle nói.