Chốt phiên cuối tuần này, vàng SJC trong nước có giá 38,27 – 38,47 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), gần như tương đương với mức giá mở cửa phiên đầu tuần (3/9).
Trên thị trường thế giới, giá vàng chốt phiên cuối tuần ở mức 1.388,80 USD/oz, giảm 8 USD/oz so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (30/8). Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ ngày hôm nay bằng 35,41 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là 3,06 triệu đồng/lượng.
Thị trường vàng trong nước tăng tính ổn định
Điểm nổi bật của thị trường vàng trong nước tuần qua là sự biến động không lớn về giá. Với mức dao động trong khoảng tăng tối đa đến 300.000 đồng/lượng, vàng trong nước giữ vững giá trên mốc 38 triệu đồng/lượng trong suốt cả tuần.
Biến động giá vàng trong nước tuần từ 3 - 7/9. (Ảnh: sjc.com.vn)
Đầu tuần này, thị trường vàng trong nước nghỉ giao dịch ngày lễ Quốc Khánh (2/9). Những ngày sau đó, thời điểm vàng đạt mức giá cao nhất trong tuần là phiên mở cửa ngày 4/9, vàng có mức giá 38,37- 38,57 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Mức giá vàng xuống thấp nhất trong tuần ở thời điểm đầu giờ chiều 3/9, khi đó giá vàng ở mức 38,11- 38,31 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá chiều mua – bán nhìn chung ổn định ở mức 150.000 – 200.000 đồng/lượng.
Mặc dù thị trường vàng trong nước tương đối ổn định, giá vàng không có nhiều biến động, tuy nhiên, thị trường vàng thế giới tuần này có lúc có sự sụt giảm giá mạnh đã khiến cho mức chênh lệch giá giữa vàng thế giới và vàng trong nước tăng cao, đạt mức 3,36 triệu đồng/lượng vào phiên giao dịch sáng 6/9. Trong khi đã có lúc mức chênh lệch này được thu hẹp xuống còn khoảng 2 triệu đồng/lượng vào tuần trước đó.
Đáng chú ý, trong tuần qua lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không tổ chức đấu thầu vàng miếng. Tính từ ngày 28/3 đến nay, sau 57 phiên đấu thầu hàng tuần, NHNN đã bán ra tổng cộng 1.517.200 lượng vàng (tương đương 56,4 tấn vàng) trên tổng số 1.622.000 lượng chào thầu.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc NHNN tạm ngừng đấu thầu vàng do hiện nay NHNN là đầu mối duy nhất tạo nguồn cung mới cho thị trường vàng, vậy nên việc đấu thầu vàng được hoạch định trên cơ sở bám sát tình hình thị trường để tổ chức cho phù hợp, do đó sẽ không có sự kết thúc đấu thầu vàng ngoại trừ có thay đổi cơ chế điều hành, và tần suất và quy mô đấu thầu sẽ bám sát thực tế yêu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, mặc dù không có phiên đấu thầu vàng nào diễn ra trong tuần, nhưng thị trường vàng trong nước vẫn tương đối cân bằng, đã không có hiện tượng khan cung, cầu tăng và đẩy giá tạo biến động. Đây có thể được xem là thành công bước đầu của NHNN trong mục tiêu bình ổn, giữ ổn định thị trường vàng như đã từng nhiều lần nhấn mạnh trước đây.
Tuần qua có thông tin cho rằng, NHNN có thể sẽ sớm cấp phép cho các hoạt động nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, nhưng chỉ cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh vàng muốn nhập khẩu vàng nguyên liệu phải có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài, được NHNN cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm.
Nguồn tin từ NHNN cũng cho biết, qua 5 tháng với 57 phiên đấu thầu vàng, NHNN đã hút khoản tiền từ lưu thông về khoảng 57.000 tỷ đồng. Trong đó, khoản chênh lệch NHNN thu được giữa giá trúng thầu và giá thế giới ước tới gần 6.500 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản phải trích lập, số tiền lãi sẽ được NHNN nộp vào ngân sách Nhà nước là không nhỏ.
Vàng thế giới tuần nhiều biến động
Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng thế giới ở mức 1.396,50 USD/oz và đi ngang trong ngày nghỉ cuối tuần. Ngày 1/9, giá vàng thế giới đã có lúc sụt giảm mạnh xuống mức 1.374 USD/oz nhưng ngay sau đó đảo chiều tăng trở lại mức 1.389,40 USD/oz ở phiên khởi điểm giao dịch vàng thế giới đầu tuần.
Giá vàng thế giới trong 3 phiên cuối tuần. (Ảnh: kitco.com)
Những ngày sau đó, giá vàng thế giới biến động tăng trong những phiên giữa tuần. Đã có lúc, giá vàng thế giới tăng lên mức 1.415 USD/oz nhưng cũng chỉ ngay sau đảo chiều giảm dần.
Ngày 5/9, giá vàng thế giới đột ngột quay giảm sâu so với phiên trước đó do áp lực từ một số dữ liệu kinh tế của Mỹ tốt hơn dự kiến vừa công bố. Theo đó, vàng giao tháng 12 giảm 19,6 USD về 1.370 USD/oz, vàng giao ngay giảm 20,9 USD về 1.371 USD/oz.
Bên cạnh đó, chỉ số đồng USD tăng điểm mạnh đã gây áp lực giảm giá trên thị trường kim loại quý. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng sụt giảm từ kỳ vọng thị trường (Báo cáo việc làm ADP quốc gia cho thấy đã có 176.000 việc làm thêm trong các tháng gần nhất).
Tuy nhiên, hôm thứ 5 trong tuần qua đánh dấu sự bắt đầu của Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Nga. Mỹ, Nga và Trung Quốc có thể thẳng thắn bày tỏ quan điểm tại cuộc họp này về vấn đề liên quan đến việc Mỹ sử dụng vũ lực quân sự chống lại Syria. Sự kiện này đã có tác động đến giá vàng thế giới ngay trong ngày cuối tuần. Giá vàng tăng trở lại từ mức 1.371 USD/oz lên đỉnh điểm 1.392 USD/oz và chốt phiên cuối tuần ở mức 1.388,80 USD/oz.
Như vậy, tính tới thời điểm này, giá vàng thế giới đã giảm hơn 18% do Fed phát đi tín hiệu sẽ thu hẹp dần các gói QE và cuối năm nay. Các gói kích thích tiền tệ của Fed luôn là chiếc chìa khóa then chốt tạo đà cho vàng tăng trong những năm trước. Vàng luôn được coi là vũ khí lợi hại nhất giúp người dân chống lại lạm phát.
Theo nhận định của các chuyên gia về giá vàng tuần này, thị trường vàng sẽ trầm lắng cho tới khi báo cáo việc làm được công bố vào ngày thứ 6. Dự báo giá vàng sẽ ở trong khoảng 1.385 - 1.425 USD/oz, nhất là khi không có hành động quân sự nào của Mỹ và các nước đồng minh nhằm vào Syria.
Theo đó, vàng đã tăng 1.4% vào ngày thứ 3 sau khi Tổng thống Barack Obama có được sự ủng hộ của Quốc hội, sau lời kêu gọi hạn chế tấn công vào Syria với mục tiêu trừng phạt Tổng thống Bashar al-Assad bởi nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học giết hại người dân.