Sáng nay, giá vàng lại có xu hướng giảm, xuống 1.226 USD một ounce lúc 7h50 (giờ Hà Nội), tương đương 31,61 triệu đồng một lượng, chưa bao gồm thuế, phí. Giá trong nước đóng cửa hôm qua tại 35,1-35,25 triệu đồng.
Đầu phiên hôm qua, thị trường chịu sức ép khi đôla Mỹ hồi phục sau 3 ngày mất giá, nhờ báo cáo doanh số bán lẻ lạc quan và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm. Tuy nhiên, số liệu sau đó lại cho thấy tài sản ròng của các hộ gia đình Mỹ giảm trong quý III lần đầu tiên trong 3 năm, do giá trị cổ phiếu giảm và nợ tăng. Việc này khiến triển vọng tiêu dùng tại Mỹ trở nên khó đoán.
Giá vàng thế giới hôm qua đã đi lên sau nhiều phiên sụt giảm.
Theo giới phân tích, giá vàng tuần này vẫn có khả năng tăng 3,1%, mạnh nhất từ tháng 3, do đà giảm của USD những phiên gần đây. Trong khi đó, giá các hợp đồng tương lai hôm qua giảm 0,3% xuống 1.225 USD một ounce.
Đồng bạc xanh hôm qua tăng 0,6% so với rổ tiền tệ lớn trên thế giới, và được kỳ vọng còn tiếp tục tăng trước phiên họp chính sách tuần tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Lần họp này sẽ giúp nhà đầu tư có thêm manh mối về thời điểm tăng lãi suất.
Nếu nâng lãi sớm hơn dự kiến, USD sẽ mạnh lên và gây sức ép với các công cụ không trả lãi, như vàng. "Thị trường đang tập trung phân tích tuyên bố duy trì lãi suất thấp trong ‘một thời gian đáng kể’ của FED. Chúng tôi cho rằng đợt tăng đầu tiên sẽ vào tháng 6 năm sau", Robin Bhar – nhà phân tích tại Societe Generale cho biết. Quan chức FED đến nay vẫn nhấn mạnh lạm phát thấp có thể giúp giữ lãi suất gần 0% thêm một thời gian nữa.
Trên thị trường dầu thô, giá một thùng dầu WTI hôm qua đã xuống dưới 60 USD, thấp nhất hơn 5 năm qua. Còn dầu Brent xuống 63,7 USD. Giá năng lượng yếu cũng gây sức ép lên vàng, do đây là công cụ phòng trừ lạm phát do dầu gây ra.
Trên thị trường đầu tư, dự trữ tại SPDR Gold Trust – quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới đã tăng gần 3 tấn hôm thứ Tư, lên 724,8 tấn. Dù vậy, số liệu này vẫn đang ở đáy gần 6 năm.