Các tổ chức tài chính quốc tế tăng sức mua làm giá vàng thế giới tăng nhanh. Trong nước, doanh nghiệp kinh doanh vàng ráo riết gom hàng để xuất khẩu.
Ngày 18-7, thị trường vàng tiếp tục sôi động do giá leo thang liên tục. Giá vàng thế giới lúc 16 giờ lập kỷ lục mới 1.600 USD/ounce. Tại Việt Nam, giá vàng SJC liên tục được điều chỉnh theo hướng tăng dần. Lúc 9 giờ, giá bán ra là 39,2 triệu đồng/lượng, đến cuối ngày, vọt lên 39,42 triệu đồng/lượng, tăng so với hôm trước 320.000 đồng/lượng.

Giá vàng tăng vọt!

Cuối ngày 18-7, giá vàng SJC tại TPHCM đã lên đến 39,42 triệu đồng/lượng. Ảnh: HỒNG THÚY

Nhu cầu bảo toàn vốn

Nếu tính từ đầu tháng 7 – 2011 đến nay, chỉ hơn nửa tháng nhưng giá vàng thế giới đã tăng khoảng 100 USD/ounce (tương đương tăng 2,4 triệu đồng/lượng). Tuy nhiên, do sức mua trong nước rất thấp nên giá vàng SJC chỉ tăng gần 1,8 triệu đồng/lượng. Điều này cho thấy giá vàng trong nước phản ứng cùng chiều nhưng mức độ tăng giá không tương ứng với đà tăng của giá thế giới.

Nhiều ý kiến cho rằng tình hình kinh tế thế giới không mấy sáng sủa là nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng như vũ bão thời gian gần đây. Trong đó, đáng kể hơn cả là tình trạng nợ công của Ý lên tới 1.600 tỉ euro, Ireland 168 tỉ euro và Bồ Đào Nha 142 tỉ euro. Mặt khác, chính phủ Mỹ vẫn còn tranh cãi việc nâng mức trần nợ công khi mà thời hạn chót là ngày 2-8 đã gần kề… Từ đó, giới đầu tư tài chính thế giới e ngại thị trường tiền tệ và hàng hóa sẽ biến động khó lường nên tìm đến vàng để bảo toàn vốn. Chẳng hạn, phiên giao dịch ngày 13 và 16-7, chỉ riêng quỹ đầu tư hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust đã mua vào tới 30,6 tấn vàng, nâng số vàng dự trữ lên 1.236 tấn...

Trước đó, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cũng nhận xét: Môi trường kinh tế toàn cầu bất ổn và chính sách nới lỏng tiền tệ trên phạm vi toàn cầu đã làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng. Ngân hàng trung ương của nhiều nước gia tăng dự trữ vàng. Tháng 5-2011, Ngân hàng Trung ương Mexico đã chi hơn 4 tỉ USD để mua vàng. Còn các ngân hàng trung ương ở châu Âu bắt đầu bán vàng ra một cách cầm chừng.

Cơ hội tái xuất vàng

Trong khi đó, tại Việt Nam, người dân lại có xu hướng chờ giá vàng lên cao để bán và rất ít mua vào. Như thế, các doanh nghiệp thu mua vàng sẽ bán cho ai? Qua tìm hiểu cho thấy: Do tỉ giá ngoại tệ trong thời gian gần đây ổn định ở mức 20.600 đồng/USD, sức mua yếu, giá vàng thế giới tăng nhanh nên giá vàng trong nước luôn thấp hơn giá vàng thế giới 300.000 – 500.000 đồng/lượng, tùy thời điểm. Khi giá vàng chạm ngưỡng 39 triệu đồng/lượng, người dân đã ồ ạt bán vàng, các doanh nghiệp không e ngại thu gom bởi doanh nghiệp đã có đầu ra là thị trường vàng quốc tế, trong đó chủ yếu là thị trường Nam Phi.

Theo quy định, thuế suất xuất khẩu vàng 10% chỉ áp dụng đối với các sản phẩm vàng có hàm lượng 99%, trọng lượng sản phẩm trên 1 ounce. Do đó, để được hưởng thuế suất 0%, các doanh nghiệp xuất khẩu vàng chế tác sản phẩm vàng trang sức có hàm lượng từ 98,5% trở xuống, trọng lượng mỗi sản phẩm không quá 1 ounce (8,3 chỉ) bất chấp chi phí tăng cao so với các sản phẩm vàng trang sức xuất khẩu trước đây. Một số doanh nghiệp cho biết với giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 300.000 đồng/lượng, việc xuất khẩu vàng bảo đảm lợi nhuận tuyệt đối.

Ngoài ra, theo giới kinh doanh vàng, khi giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới với mức cách biệt như hiện nay thì nguy cơ xuất lậu vàng qua biên giới là khó tránh khỏi.
Nên khuyến khích xuất khẩu vàng

Ông Nguyễn Thế Hùng, trưởng đại diện hãng kinh doanh vàng MKS (Thụy Sĩ), cho rằng giá vàng thế giới cao hơn giá vàng trong nước là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vàng.
Nhưng từ đầu năm 2011 đến nay, lượng vàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng 1/3 các năm trước và thấp hơn rất nhiều so với các nền kinh tế trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Hồng Kông, Singapore… Nguyên nhân chủ yếu là do thuế suất xuất khẩu vàng của Việt Nam quá cao.
Theo Thy Thơ (Nld)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh