Năm 2013 đã kết thúc với bức tranh ảm đạm của thị trường vàng. Nhìn sang năm 2014, nhiều chuyên gia tỏ ra bi quan, với các dự báo cho thấy một thị trường vàng của năm mới thậm chí còn xấu hơn năm 2013.
Năm 2014, giá vàng thế giới tiếp tục “đổ đèo”
Bước sang năm 2014, các chuyên gia phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán phục hồi và triển vọng tươi sáng của kinh tế toàn cầu khiến vàng không còn sức hấp dẫn đối với giới đầu tư như trước.
Có dự báo giá vàng thế giới năm 2014 có thể giảm xuống 1.050 USD/oz
Ronald Leung, phụ trách giao dịch tại Lee Cheong Gold Dealers (có trụ sở ở Hong Kong) dự báo thị trường vàng năm 2014 sẽ xấu đi. Lượng vàng tại các quỹ giao dịch vàng sụt giảm sẽ là một nhân tố kéo giá vàng hạ. Lượng vàng do quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới (SPDR Gold Trust) nắm giữ, vốn được coi là thước đo nhu cầu vàng của nhà đầu tư, đã giảm 0,19% trong phiên giao dịch ngày 26/12 xuống 804,22 tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Các chuyên gia phân tích của Barclaysdự báo giá vàng thời gian tới có nguy cơ còn tiếp tục đi xuống. Vấn đề lớn nhất đối với vàng đó là không chỉ phải đối phó với nhu cầu của Ấn Độ giảm sút (do đồng rupee yếu và thuế nhập khẩu tăng), mà thị trường còn phải vật lộn với xu hướng bán tháo của giới đầu tư. Theo dự báo của Goldman Sachs, BNP Paribas và cả Societe General, giá vàng năm 2014 sẽ nằm dưới mốc 1.150 USD/oz.
Những dự báo này còn dựa trên cơ sở xu hướng giá vàng năm 2013 đổ đèo và chưa có dấu hiệu khởi sắc vào năm mới. Phiên cuối cùng của năm 2013 là ngày 31/12, giá vàng đã chốt năm ở mức 1.206 USD/oz. Mức giá này đã giảm rất sâu so với các dự báo trước đó về giá vàng năm 2013. Chẳng hạn, đầu năm 2013, HSBC đưa ra dự báo giá vàng trung bình trong năm 2013 xuống còn 1.760 USD/oz (mức giá dự báo này đã hạ sâu hơn trước đó có dự báo 1.850 USD/oz). Cùng thời điểm này, HSBC còn dự báo giá vàng trung bình năm 2014 ở mức 1.775 USD/oz và đưa ra dự báo cho năm 2015 ở mức 1.675 USD/oz.
Hơn nữa, HSBC còn lạc quan cho rằng, thị trường vàng có xu hướng đi lên trong năm 2013 nhờ hỗ trợ của các yếu tố cơ bản như cung – cầu. Nhưng nhìn lại năm qua, hầu hết các nhà phân tích cho biết thị trường vàng chịu áp lực từ những quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về việc sẽ bắt đầu giảm dần chương trình mua trái phiếu của mình. Và thực tế, kể từ ngày 18/12/2013, ngày FED quyết định cắt giảm gói nới lỏng định lượng (QE3), giá vàng thế giới đã lại rơi xuống dưới mốc 1.200 USD/oz ngày cuối năm. So với mức giá 1.674 USD/oz phiên đầu năm, vàng thế giới giảm 574 USD/oz sau 1 năm. Hiện đã giảm tới 37% nếu so với mức cao kỷ lục 1.920 USD/oz được lập ở năm 2011.
Trong năm qua, thị trường còn ghi nhận nhà đầu tư đã chuyển hướng mạnh từ vàng sang thị trường chứng khoán. Như vậy, năm 2013, thị trường vàng đã trình diễn một xu hướng trái ngược dự báo trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Và vàng, dù vốn được coi là một kênh trú ẩn an toàn của nhà đầu tư, nhưng càng về cuối năm lực hút của nó càng trở nên kém hấp dẫn. Có thể nói, sự đổ đèo liên tiếp của giá vàng trong năm qua đã phần nào làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường kim loại quý này.
Tương lai giá vàng trong nước… khó sáng
Đối với thị trường trong nước, năm qua, bên cạnh tình hình kinh tế vĩ mô, tâm lý đầu tư, đặc biệt là việc tổ chức đấu thầu vàng miếng của NHNN, đã tác động đến thị trường vàng. Xu thế rõ nét của năm là giá vàng lao dốc mạnh, mặc dù mức giảm còn thấp hơn giá vàng thế giới.
Biểu đồ diễn biến giá vàng SJC năm 2013 (Nguồn: SJC) |
Nếu phiên đầu năm 2013, giá vàng SJC được niêm yết ở giá 46,34-46,74 triệu đồng/lượng (mua – bán), thì đến phiên cuối năm, ngày 31/12/2013 giảm về còn 34,70-34,78 triệu đồng/lượng. Như vậy, sau 1 năm, giá vàng SJC giảm 11,64 triệu đồng/lượng chiều mua vào, và bán ra giảm 11,96 triệu đồng/lượng.
Cùng với đó, các đầu mối nới rộng giá mua vào so với giá bán ra tới khoảng 360.000 đồng/lượng ở các phiên cuối năm. Động thái này thể hiện rõ tính dự phòng rủi ro.
Lực đẩy cho giá vàng trong nước năm 2014 sẽ kém đi trước các dự báo triển vọng kinh tế vĩ mô sáng hơn. Hơn nữa, năm qua, dù giá vàng thế giới giảm tới hơn 14 triệu đồng/lượng (qua đổi ra tiền Việt), trong khi giá vàng trong nước chỉ giảm hơn 11 triệu đồng/lượng. Mức chênh giữa giá vàng trong nước và quốc tế trung bình vẫn duy trì trên 3 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng không còn sôi động, ồn ào như cả chục năm qua ở thời điểm này.
Những động thái này đang và sẽ tiếp tục tác động làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư trong nước với vàng. Cùng với đó, thị trường vàng trong nước vốn được hỗ trợ mạnh nhờ tâm lý, thói quen người dân thích tích lũy vàng hơn tiền mặt hoặc các phương tiện khác. Nhưng, sau nhiều sóng gió vừa qua, tâm lý a dua trên thị trường đã tạm lắng xuống và chưa có lực đẩy để người dân đổ xô trú ẩn vào vàng.
Đáng chú ý nữa, năm 2013 khép lại với thị trường chứng khoán được đánh giá là thắng lợi. Cho nên, khi nền kinh tế được dự báo sáng hơn vào năm 2014, môi trường sản xuất, kinh doanh năng động hơn, khó tránh “hội chứng đám đông” và dự a dua thị trường trỗi dậy khiến nhà đầu tư và kể cả người dân mua nhỏ lẻ sẽ chuyển hướng từ thị trường vàng sang đầu tư vào chứng khoán và các thị trường khác.
Đồng thời, trên các phương tiện thông tin hằng ngày có rất nhiều dự báo về sự ảm đạm của giá vàng thế giới năm 2014, điều này càng củng cố niềm tin cho nhà đầu tư mạnh dạn quay lưng với thị trường vàng để đi tìm nguồn lợi mới ở kênh đầu tư mới. Thành thử, năm 2014, cùng với sự suy giảm của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tất khó bứt phá./.