Sáng 12/8, Ngân hàng trung ương Trung Quốc tiếp tục hạ tỷ giá thêm 1,6% sau khi phá giá 1,9% hôm 11/8. Động thái này dấy lên lo ngại về cuộc chiến tiền tệ và tác động tiêu cực đến chứng khoán toàn cầu, khiến giới đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn hơn như vàng. Giá kim loại quý này đã hồi phục hơn 4% từ mức thấp nhất 5 năm rưỡi ở 1.077 USD/ounce hồi cuối tháng 7 vừa qua.
Lúc 14h13 giờ GMT, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.119,1 USD/ounce, trong phiên giao dịch có lúc giá vàng tăng 1,2% lên cao nhất kể từ 20/7 ở 1.121,4 USD/ounce.
Mở cửa lúc 8h30, giá vàng miếng SJC được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI giao dịch ở ngưỡng: 33,69 triệu đồng/lượng (mua vào) – 33,88 triệu đồng/lượng (bán ra) cao hơn mức chốt phiên tại 33,37-33,72 triệu đồng ngày hôm qua.
Giá vàng giao tháng 12/2015 trên sàn Comex tăng 15,9 USD, tương ứng 1,4%, lên 1.123,6 USD/ounce. Giá vàng đã tăng 5 phiên liên tiếp.
Giá vàng tăng một phần do USD giảm 1,1% so với các đồng tiền trong giỏ tiền tệ cùng với lợi tức trái phiếu Mỹ giảm do hoài nghi về việc liệu Fed có nâng lãi suất sau khi Trung Quốc phá giá nội tệ hay không.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ nhân dân tệ sẽ giảm giá đến mức nào. Nhân dân tệ yếu hơn sẽ khiến vàng nhập khẩu vào Trung Quốc - nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới - trở nên đắt đỏ hơn, nhà phân tích Barnabas Gan tại Ngân hàng OCBC, cho biết.
Trong số các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay lên cao nhất một tháng ở 15,58 USD/ounce, giá bạch kim tăng 1% lên 993,5 USD/ounce và giá palladium tăng 3,2% lên 621,25 USD/ounce.