Năm 2022, ngành thép đang chứng kiến sự khó khăn do sụt giảm mạnh từ phía nhu cầu, khiến tiêu thụ của các doanh nghiệp chậm, lượng tồn kho tăng. Cùng với đó, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, cộng thêm biến động tăng lãi suất vốn vay và chênh lệch tỉ giá.
Giá USD liên tục tăng trong hai tháng trở lại đây và đã tăng hơn 8,5% so với đầu năm, hiện lên kịch trần 24.888 đồng.
Giá USD tăng cao, doanh nghiệp thép “lao đao” vì chênh lệch tỉ giá
Trước diễn biến này, nhiều doanh nghiệp thép cho biết, họ đang gặp khó khăn khi nguồn nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu lớn nhưng tỉ giá lại leo thang, trong khi đó giá thép bán ra không tăng theo tương xứng.
Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu
Hiện nay, các doanh nghiệp ngành thép trong nước còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite…
Năm 2022, Việt Nam dự kiến phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn; thép phế khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện; than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn.
Do đó, khi giá các nguyên liệu đầu vào biến động sẽ làm giá thép thành phẩm trong nước cũng phải điều chỉnh theo thị trường thế giới.
Bên cạnh chi phí đầu vào, các doanh nghiệp thép phải gánh thêm chi phí do tỉ giá tăng mạnh
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán KIS nhận định, đồng USD tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhập khẩu của Việt Nam, làm cho giá cả các mặt hàng nhập khẩu tăng lên.
Do đó, những ngành nào có nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài nhiều thì sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, những ngành đang vay vốn bằng đồng ngoại tệ cũng sẽ bị ảnh hưởng trong giai đoạn tới.
Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu vui mừng khi tỉ giá tăng thì những doanh nghiệp nhập khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp thép gặp bất lợi do nguyên liệu được nhập bằng USD, một số khoản nợ cũng bằng USD.
Giờ đây, mỗi container hàng nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp thép, tiếp tục gánh thêm chi phí do tỉ giá tăng. Điều này khiến giá thành tăng, lợi nhuận thụt lùi, dẫn đến năng lực cạnh tranh giảm sút.
Chia sẻ tại Đối thoại “Điều hành tỉ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cho rằng, áp lực tỉ giá là một trong những nguyên nhân quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngành thép.
Lãnh đạo VNSteel cho biết: “Với những đơn vị của VNSteel mà có lượng nhập khẩu lớn, thì chênh lệch tỉ giá này có thể tác động đến hiệu quả lên tới 70-80 tỉ đồng trong năm 2022 này. Trong khi đó, những đơn vị có quy mô vừa và nhỏ hơn có thể đến vài ba chục tỉ đồng.”
Doanh nghiệp ngấm đòn tỉ giá tăng
Sau một năm thăng hoa nhờ giá thép liên tiếp lập đỉnh, ngành thép gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu trên 10 tỉ USD với mức tăng xuất khẩu ấn tượng. Tuy nhiên, xuất khẩu thép giảm tốc mạnh trong năm nay, từ việc xuất siêu trong năm 2021, Việt Nam đã nhập siêu một lượng lớn sắt thép trong năm 2022.
9 tháng đầu năm 2022, nhập siêu sắt thép quay trở lại với con số gần 2,5 triệu tấn, với trị giá 3,1 tỉ USD khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh.
Cụ thể, xuất khẩu sắt thép trong giai đoạn này đạt 6,46 triệu tấn, trị giá 6,5 tỉ USD, giảm 34,3% về lượng và giảm 22,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu các mặt hàng sắt thép ở mức 8,93 triệu tấn với trị giá hơn 9,56 tỉ USD, giảm 8,3% về lượng nhưng tăng 10% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Tổng Công ty Thép Việt Nam, thị trường chính vẫn là thị trường trong nước, xuất khẩu chỉ chiếm một phần. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất thép phần lớn đều phải nhập khẩu, thị trường tiêu thụ chủ yếu lại ở trong nước khiến nhiều công ty thép chịu lỗ trong quý 3.2022 vừa rồi.
Mặt khác, khó khăn còn tăng thêm khi mà để kiềm chế tỉ giá, Việt Nam không còn lựa chọn nào khác là phải tăng lãi suất. Chính động thái tăng lãi suất là tác nhân ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, đặc biệt với doanh nghiệp ngành thép.
Trước những yếu tố bất lợi từ thị trường, quý 3.2022 chứng kiến toàn ngành thép bước vào giai đoạn suy thoái mang tính chất chu kỳ với màu sắc ảm đạm trong bức tranh kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp thép.
Đơn cử với Hòa Phát, bên cạnh các yếu tố về giá bán, việc tín dụng thắt chặt, tỉ giá USD leo dốc làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp này.
Cụ thể, tỉ giá là nguyên nhân chính dẫn làm chi phí tài chính của Hòa Phát quý 3 tăng ở mức đáng kể 1.341 tỉ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, với nguyên liệu than và quặng sắt chủ yếu đến từ nguồn nhập khẩu và một phần dư nợ vay bằng USD, Hòa Phát tiếp tục ghi nhận trong quý này tổng lỗ chênh lệch tỉ giá ở mức 1.013 tỉ đồng. Kết quả này cũng phản ánh bức tranh chung ảm đạm của ngành thép bởi các yếu tố thị trường.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn do chính sách đất đai và tiền tệ, cùng với đó, chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đang ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm ngành xây dựng nói chung và ngành thép nói riêng.
-
Ba quả tạ ghìm chân “vua thép” Hòa Phát
Nhu cầu suy yếu, giá thép giảm mạnh, chi phí đầu vào lên cao, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh là những yếu tố tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh quý 3.2022 của ngành thép nói chung hay Hòa Phát nói riêng.
-
Hãng thép 50 năm tuổi tại miền Nam huy động thêm vốn từ cổ đông để xây nhà máy tại Đồng Nai
Doanh nghiệp này sẽ dùng toàn bộ nguồn tiền mới để đầu tư dự án sản xuất thép cán xây dựng, bổ sung công đoạn luyện phôi thép công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai....
-
Một “ông lớn” ngành thép bất ngờ được dự báo lợi nhuận tăng tới 1.600% trong năm 2024
Năm 2024, doanh nghiệp này được dự báo lợi nhuận tăng cao tới 1.600% nhờ mức nền thấp năm ngoái, đạt mức 510 tỷ đồng.
-
Các nhà sản xuất thép lớn trong nước có thể giành thêm thị phần nhờ vụ điều tra bán phá giá thép Trung Quốc
Năm 2025, MBS cho rằng thị phần của các doanh nghiệp thép lớn trong nước có thể cải thiện nhờ sự đóng góp của thuế. chống bán phá giá.