Giá nhà tại Mỹ tiếp tục tăng trong tháng Bảy dù với mức tăng chậm hơn, trong khi lòng tin tiêu dùng giảm sút vì khả năng tăng lãi suất và sự phục hồi chậm của nền kinh tế ảnh hưởng tới thị trường nhà đất.

Chỉ số tổng hợp S&P/Case Shiller của 20 thành phố của Mỹ trong tháng Bảy tăng 1,8% so với tháng Sáu, chậm hơn mức tăng 2,2% của tháng Sáu và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với một năm trước, giá nhà tại 20 thành phố đều tăng, song tốc độ tăng ở 15 thành phố chậm hơn. Giá nhà tại Mỹ đã duy trì mức tăng hàng năm 12% kể từ tháng Tư năm nay. Giá nhà trung bình trên khắp nước Mỹ đã trở lại mức vào mùa Xuân 2004, song còn thấp hơn 21-22% so với mức cao nhất đạt được vào tháng 6-7/2006.

Theo chỉ số giá nhà của Cơ quan tài chính nhà ở Liên bang (FHFA), giá nhà tại Mỹ trong tháng Bảy tăng 1% so với tháng Sáu và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, và là tháng tăng thứ 18 liên tiếp. Dù vậy, chỉ số giá nhà của tháng Bảy của FHFA vẫn thấp hơn 9,6% so với mức đỉnh vào tháng 4/2007.

Hiệp hội các nhà bất động sản quốc gia của Mỹ cho biết, giá nhà trung bình của tất cả các loại nhà là 212.100 USD/căn trong tháng Tám, tăng 14,7% so với một năm trước.

Giới phân tích lo ngại lãi suất thế chấp tăng có thể cản trở người mua nhà. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng hơn 100 điểm cơ bản kể từ tháng Năm, khi các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu phát đi tín hiệu về khả năng rút dần chương trình kích thích. Tuy nhiên, tại cuộc họp trong tuần trước, FED đã gây bất ngờ cho các thị trường với quyết định tiếp tục chương trình mua 85 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng, do những lo ngại về nền kinh tế.

Trong khi đó, đà phục hồi vẫn yếu của kinh tế Mỹ đang có những tác động đến lòng tin tiêu dùng. Theo Conference Board, chỉ số lòng tin tiêu dùng đã giảm xuống 79,7 điểm trong tháng Chín, so với mức đã được điều chỉnh 81,8 điểm trong tháng Tám.

Theo Giám đốc phụ trách các số liệu kinh tế của Conference Board, Lynn Franco, lòng tin tiêu dùng giảm là do lo ngại về triển vọng ngắn hạn đối với việc làm và thu nhập lại nổi lên. Những lo ngại này có thể khiến người tiêu dùng bớt chi tiêu, trong khi chi tiêu tiêu dùng là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Người tiêu dùng Mỹ đang quan tâm đến tranh cãi trong Quốc hội Mỹ về vấn đề nâng trần nợ công cũng như về ngân sách Liên bang cho tài khóa mới. Tình trạng bế tắc hiện nay nếu không được tháo gỡ có thể khiến Chính phủ Mỹ bị đóng cửa vào đầu tháng tới và nước Mỹ sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ vào giữa tháng đó.

Cuộc chiến lưỡng đảng trong Quốc hội có thể gây trở ngại cho đà phục hồi kinh tế còn chưa vững của Mỹ. Nếu không tháo gỡ được những chướng ngại hiện nay, các công ty sẽ không mấy sẵn sàng đầu tư và thuê nhân công, các nhà doanh nghiệp sẽ khó bắt tay vào các hoạt động, các tổ chức tín dụng sẽ thận trọng hơn khi cho vay và các hộ gia định sẽ dè sẻn hơn trong chi tiêu.

Lê Minh (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.