Ở Hà Nội, chưa bao giờ việc mua
nhà lại dễ như vậy với nhan nhản các dự án và các chương trình siêu
khuyến mãi. Thế nhưng, điều đáng nói là tuy cơ hội cho người mua có nhu
cầu ở thực đã đến nhưng người mua vẫn không thấy lộ diện. Giao dịch bất
động sản rất trầm lắng.
Nhận xét về điều này, giáo sư Đặng
Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng: “Có dự
án đã giảm từ 26 triệu/m² xuống còn 16 triệu đồng/m². Đó là mức giảm
mạnh nhưng tôi cho rằng đó vẫn còn trên giá sản xuất. Giá bất động sản
còn phải xuống nữa và lúc đó người mua để ở sẽ xuất hiện và giao dịch
thị trường sẽ có”.
Ông Đặng Hùng Võ cũng cho rằng,
thời gian qua, các nhà đầu tư đã không tính đến khả năng thanh toán của
đại đa số người dân mà chỉ hướng đến đối tượng cao cấp để đạt mức siêu
lợi nhuận khiến thị trường bị phát triển “ảo” trong một thời gian quá
lâu. Do đó, giá nhà đất còn phải xuống nữa.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Sỹ
Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, thị trường bất
động sản ở Việt Nam lâu nay đã không hướng về người dân.
Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, thị
trường bất động sản thời gian qua thiếu loại nhà ở có quy mô nhỏ và giá
cả phù hợp, thiếu loại nhà ở dành để cho thuê phục vụ các đối tượng thu
nhập thấp chiếm số đông trong xã hội. Giá nhà ở luôn vượt quá khả năng
về tài chính của một bộ phận lớn dân cư...
Chính vì thế, trong Dự thảo Chiến lược quốc gia về nhà ở mà Bộ Xây dựng vừa trình lên Chính phủ, đã có quy định khá rõ về tỷ lệ nhà ở gắn với nhu cầu thực của người dân. Đó là điều rất đáng mừng. Dự thảo là vậy, song để đi vào cuộc sống còn là cả một chặng đường dài. Bởi người ta đã từng chứng kiến loại căn hộ dành cho người thu nhập thấp đôi khi lại lọt vào tay đối tượng đầu cơ, để rồi trội lên rất nhiều so với giá gốc, khiến người lẽ ra được thụ hưởng chính sách lại vẫn không bao giờ có đủ tiền để mua căn nhà mà nhà nước dành cho chính mình.