Sống và kinh doanh ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã 14 năm, chị Nga cho biết, nếu như trước đây giá thuê shop 200m2 trên đường Nguyễn Đức Cảnh và Bùi Bằng Đoàn khoảng 1.500-1.600 USD (khoảng 34,5-37 triệu đồng)/tháng, thì hiện nay đã tăng lên mức 6.000 USD (khoảng 138 triệu đồng)/tháng. Theo chị Nga, việc giá thuê tăng mạnh là vì giá bán loại nhà phố mặt tiền cũng liên tục tăng, trước đây giá chỉ từ 7-10 tỉ đồng/căn, nay đã lên đến 20-30 tỉ đồng/căn.
“Giá thuê leo thang khiến việc kinh doanh vô cùng khó khăn. Chi phí đội lên kinh khủng, nếu cộng dồn vào giá thì không thể nào cạnh tranh nổi”, chị Nga than thở.
Tương tự, chị Sương, một tiểu thương buôn bán hàng ăn uống tại quận 4, cho biết giá thuê nhà phố mặt tiền ở đường số 4 (khu gần hồ bơi quận 4) cũng không dưới 18 triệu đồng/tháng. Điều đáng nói là nhiều chủ nhà nâng giá khiến người thuê cũ không gánh nổi chi phí phải chuyển đi. Trong khi đó, chủ nhà chưa thể tìm được khách thuê mới, chấp nhận để trống vài tháng tìm khách chứ không hạ giá với lý do “mặt bằng giá giờ nó vậy”.
Giá thuê leo thang khiến nhiều người thuê than thở việc kinh doanh vô cùng khó khăn
Giới bất động sản cho biết, giá thuê nhà phố liên tục leo thang, một phần là do có khá nhiều nhu cầu săn lùng nhà mặt tiềnn thuê để buôn bán, kinh doanh. Ngoài ra, giá bán bất động sản ngày một tăng buộc giá cho thuê phải tăng theo. Mặt khác, trong vài năm trở lại đây, sự xuất hiện ngày một rầm rộ của các cửa hàng tiện lợi vô tình tạo nên cơn sốt kéo giá thuê mặt bằng tăng lên.
Sau gần bảy năm “đóng đô” ở một địa chỉ, chị Thủy, chủ một tiệm làm tóc tại đường B, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM đã buộc phải trả mặt bằng đang thuê để đi tìm nới khác vì chủ nhà tăng giá thuê đến ba lần.
“Các cửa hàng tiện lợi ồ ạt mọc lên kéo giá thuê mặt bằng liên tục tăng vài năm nay, từ mức 4 triệu đồng/tháng cho diện tích khoảng 30m2 này, nay chủ nhà tăng lên đến 12 triệu/tháng. Chi phí cho tiền mặt bằng, tiền thợ, điện nước nữa thì đến tháng coi như không còn đồng nào đút túi nên mình chấp nhận chuyển đi, dù biết sẽ mất đi một lượng khách quen đáng kể”, chị Thủy nói
Tương tự như chị Thủy, chị Trang ở đường 48, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức đang thuê là hai căn nhà nối nhau, mỗi căn có bề ngang 3,5m, dài 12m, với giá 14 triệu đồng/tháng cũng đang chuẩn bị dọn đi vì không kham nổi giá mới.
“Tuần trước chủ nhà báo tăng giá và đã có khách hỏi thuê làm cửa hàng tiện lợi với mức giá hơn 40 triệu đồng/tháng. Giá này mình không cầm cự nổi nên hết hợp đồng phải chuyển đi nơi khác”, chị Trang nói.
Trên thực tế, tốc độ phát triển của các cửa hàng tiện lợi tại đô thị hơn 10 triệu dân này diễn ra mạnh mẽ, Dự kiến xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới vì phân khúc này có sự xuất hiện của các “tay chơi” mới đầy tham vọng.
Nếu như các nhà bán lẻ ngoại thường hiện diện ở khu trung tâm, thì các thương hiệu trong nước “đóng đô” nhiều hơn ở các vùng ngoại thành. Địa điểm thuê mà các nhà bán lẻ này nhắm đến thường là nhà phố nằm ngay các trục đường chính, đông dân cư và người qua lại, có hoạt động kinh doanh sầm uất. Mặt tiền cho thuê thường phải có mặt tiền từ 4-6m trở lên, diện tích từ 100-200m2.Thời gian thuê kéo dài đến chục năm để đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định.
Bên cạnh các tuyến đường đông đúc thì khối đế thương mại tại các khu chung cư đang là địa điểm mà các nhà bán lẻ này nhắm đến. Các chung cư cung cấp từ 300-1.000 căn hộ thì nhất định sẽ có từ 2-3 cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini.
Trao đổi với CafeLand, bà Từ Thị Hồng An, Trưởng bộ phận cho thuê thương mại tại Savills TP.HCM, cho biết giá thuê mặt bằng tăng vọt như hiện nay là do nhu cầu mạnh mẽ của các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Mỗi thương hiệu đều có sự phát triển rất mạnh mẽ và nhanh chóng trong thời gian qua do tiềm năng của thị trường Việt Nam còn lớn.
Bà An lấy ví dụ, ở một thị trường có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam là Thái Lan thì cứ 5.000 người thì có một cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Trong khi con số này tại Việt Nam đang là 54.000 người.
“So sánh như vậy để thấy rằng thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển. Cũng chính vì vậy, cuộc đua phủ sóng của các thương hiệu cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tại TP.HCM đang ngày càng trở nên quyết liệt”, bà An dự báo.
Bà An cho biết thêm, trên thị trường hiện nay có 25-30 thương hiệu mới đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản đang tìm đến Việt Nam và các thương hiệu đang hiện hữu cũng liên tục lên kế hoạch mở rộng mạng lưới của họ. Với nhu cầu mở rộng liên tục của các nhà bán lẻ, tình trạng tăng giá thuê sẽ còn tiếp tục.
Theo khảo sát của Savills, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại các khối đế thương mại tại khu chung cư chỉ tăng nhẹ, giá thuê trung bình tại một số chung cư ở quận 7, quận 4, nơi khá đông dân cư và có sức mua lớn tăng khoảng 10-15% cho một mặt bằng trong mỗi quý.
-
Diễn biến trái chiều giữa mặt bằng bán lẻ trong và ngoài trung tâm
CafeLand - Trong khi nguồn cung mặt bằng bán lẻ khu trung tâm được dự báo khan hiếm và giá thuê có thể tăng cao thì ở khu vực ngoài trung tâm tỷ lệ trống dự kiến sẽ lên tới 20% vào năm 2020.
-
Phú Mỹ Hưng thanh toán hơn 620 tỷ đồng gốc, lãi trái phiếu trong nửa đầu năm 2024
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (Phú Mỹ Hưng) vừa công bố tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho kỳ báo cáo 6 tháng đầu năm 2024.
-
Thực hư việc “thuyền trưởng” doanh nghiệp bất động sản top đầu tại TP.HCM rời ghế Chủ tịch
Novaland khẳng định việc ông Bùi Thành Nhơn vừa có đơn xin thôi chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland là thông tin bịa đặt, hoàn toàn sai sự thật.
-
TP.HCM ủy quyền cho quận, huyện cải tạo, xây dựng chung cư cũ đến năm 2027
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 123/QĐ-UBND, ủy quyền cho UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn, với thời hạn đến hết ngày 31/12/2027....