Còn thống kê của Savills, giá thuê trung bình của toàn thị trường giảm 11% so với năm 2009, do giá thuê tại khu vực ngoại thành giảm. Riêng Knight Frank cho biết, giá thuê mặt bằng bán lẻ đang chững lại. Theo đó, khu trung tâm có giá thuê 95-150 USD mỗi m2 một tháng trong khi khu vực ngoài trung tâm giá thuê 35-85 USD mỗi m2 một tháng.
Khảo sát của Công ty Savills, hiện toàn TP HCM có 6 trung tâm bách hóa, 20 trung tâm mua sắm, 6 khu bán lẻ khối đế, 58 siêu thị và 3 siêu thị bán sỉ với tổng diện tích khoảng 625.000 m2, tăng 27% so với năm 2009. Mức tăng này phân bố không đồng đều, khu trung tâm nguồn cung mặt bằng bán lẻ tăng 58% còn các quận ngoại thành tăng 24%. Quận 2, 7 đang nổi lên là hai địa bàn được quan tâm nhiều nhất do gần trung tâm và mật độ dân số cao.
Thị trường bán lẻ ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Ảnh: Hoàng Hà.
Tại Hà Nội, ông Richard Leech, Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam nhận định , do giá trong khu vực trung tâm quá đắt đỏ nên sẽ có sự chuyển dịch của nhiều doanh nghiệp sang khu vực phía Tây, nơi có nhiều dự án mới phát triển. CBRE cho hay, giá chào thuê trung bình toàn thị trường quý 4 năm 2010 đạt 45,58 USD mỗi m2 một tháng, khu vực ngoài trung tâm khoảng hơn 36 USD mỗi m2 một tháng giảm 3,8% so với quý trước.
Nghiên cứu của Savills Việt Nam cũng cho thấy, giá thuê mặt bằng bán lẻ dao động từ 6 USD đến 185 USD mỗi m2. Khối đế bán lẻ trong khu vực trung tâm thành phố luôn đạt mức giá cao nhất. Hoạt động của thị trường bán lẻ ổn định so với quý trước. Công suất thuê trung bình của cả thị trường đạt 93%, giảm 1% so với quý 3 năm 2010.
Nguồn cung bán lẻ toàn thị trường Hà Nội đạt khoảng 430.000 m2 từ 130 dự án, bao gồm 13 trung tâm thương mại, trung tâm bách hóa, đại siêu thị, 67 siêu thị, 34 siêu thị điện máy, 2 siêu thị bán sỉ và 14 khối đế bán lẻ.
Theo Savills, thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Xu hướng tiêu dùng hiện nay tại Việt Nam vẫn còn rộng mở với các thương hiệu cao cấp, các cửa hàng nhượng quyền quốc tế và hàng hóa nội địa chất lượng cao do kinh tế tăng trưởng đều, dân số trẻ, hành vi tiêu dùng thay đổi và lượng người giàu lên ngày càng tăng.
Dự báo của Knight Frank, các nhà bán lẻ ngày càng đòi hỏi nhiều hơn, đưa ra yêu cầu cao hơn về vị trí, cách thiết kế gian hàng, mức thuê phản ánh mức độ kinh doanh mà vị trí mang lại. Sắp tới sẽ có những cuộc dịch chuyển, thay đổi khách thuê khi có nhiều trung tâm bán lẻ ra đời.
Tại hai thành phố Hà Nội và TP HCM, trong quý 4 năm 2010, nhu cầu mặt bằng bán lẻ vẫn tăng đều. Khu vực TP HCM, The Body Shop mở cửa hàng thứ hai, The Faceshop mở cửa hiệu thứ sáu trên đường Nguyễn Trãi, quận 1. Các nhà bán lẻ F&B như Kichi-Kichi và Breadtalk cũng mở thêm cửa hàng tại đường Cao Thắng, quận 3. Tại Hà Nội, nhiều hãng thời trang, điện máy, đồ ăn nhanh như Aldo, Guciano, KFC, Pico Plaza, E Best đồng loạt gia nhập thị trường.
Trong quý 1 năm 2011 dự kiến sẽ có thêm ít nhất 3 trung tâm bán lẻ đi vào hoạt động ở khu vực TP HCM: The Crescent, Bitexco Financial Tower và The Manor giai đoạn 2, cung cấp khoảng 36.000 m2 sàn bán lẻ cho thị trường. Trong vòng 5 năm tới, dự kiến thị trường bán lẻ tại TP HCM sẽ có thêm khoảng 800.000 m2 nguồn cung mới. Nguồn cung tương lai chủ yếu tập trung tại các quận 1, 2, 7.
Thị trường Hà Nội, trong năm nay, các công ty tư vấn dự đoán sẽ có 12 dự án gia nhập thị trường Hà Nội với 116.000 m2. Nhiều dự án mới sắp đi vào hoạt động như Hàng Da Galleria dự kiến mở cửa vào tháng 4 tới. Pico Mall dự kiến mở cửa vào tháng 3. Vincom City Towers đang trong quá trình cải thiện nâng cấp. Savills cho hay, hình thức cho thuê dài hạn mặt bằng bán lẻ đang trở thành một kênh đầu tư mới cho các nhà đầu tư.