Nếu dự án thiếu hồ sơ chắc chắn sẽ bị thu hồi. Liên quan tới các dự án này, Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, ông Vũ Tuấn Định cho biết:
Hà Nội và Bộ Xây dựng đã rà soát, thống nhất báo cáo Chính phủ xem xét đợt 1 gồm 244 đồ án, dự án. Trong đó, chủ yếu là các dự án bất động sản. Có dự án đầu tư cơ bản xong, thậm chí dự án đã huy động vốn rồi. Có những dự án lớn với diện tích hàng trăm ha, doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào hạ tầng...
Từ tháng 9-2009, các cơ quan chức năng đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng yêu cầu các nhà đầu tư nộp hồ sơ nhằm khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của toàn khu vực. Nhưng có những nhà đầu tư quan niệm, dự án của mình sắp xong, chắc cũng không có gì điều chỉnh nên chẳng việc gì phải nộp hồ sơ quy hoạch. Thế nên, sau gần một năm, vẫn còn một số nhà đầu tư chưa nộp hồ sơ.
Đối với các dự án, đồ án này, thành phố đã tổng hợp lại và yêu cầu lần cuối nộp hồ sơ quy hoạch để có cơ sở xem xét một cách cơ bản, tổng thể về lộ trình thực hiện dự án. Đồng thời, thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Nếu dự án, đồ án phù hợp định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, thành phố sẽ thông báo cho nhà đầu tư yên tâm, tiếp tục triển khai.
- Các dự án không nộp hồ sơ ảnh hưởng như thế nào tới thành phố?
- Doanh nghiệp không nộp hồ sơ đồng nghĩa với việc không rõ có tiếp tục đầu tư thực hiện dự án không và kèm với đó là không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Như thế sẽ ảnh hưởng không tốt tới phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
- Thành phố nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn còn nhiều dự án, đồ án nợ hồ sơ, nguyên nhân do đâu thưa ông?
- Có nhiều nguyên nhân nhưng có khi còn do nhà đầu tư không nắm được thông tin. Tôi cho rằng hầu hết các trường hợp là như thế, họ chưa cập nhật thường xuyên dù thành phố đã đăng báo nhắc nhở.
- Liệu có phải doanh nghiệp đã làm sai quy hoạch nên cố tình trốn tránh?
- Hiện nay chúng tôi chưa nắm được đủ hồ sơ của từng dự án cụ thể nên không dám chắc điều này. Tôi cho rằng cũng sẽ có những nhà đầu tư đã đăng ký dự án nhưng không đủ năng lực tài chính hay kinh nghiệm để triển khai dự án.
- Nếu sau 30 ngày, doanh nghiệp vẫn không nộp hồ sơ, vậy dự án đang triển khai dở dang sẽ giải quyết ra sao?
- Thời hạn đó là thành phố đề ra nhằm phục vụ quản lý các dự án, đồ án. Còn quyết định cuối cùng phải dựa trên cơ sở xem xét cụ thể từng dự án. Hồ sơ ra sao, tiến độ làm tới đâu, nghĩa vụ tài chính đã thực hiện chưa, có phù hợp với quy hoạch không... rồi mới nói tới chuyện xử lý cuối cùng thế nào.
- Nhưng cũng phải có thời hạn chứ việc xử lý không thể kéo dài mãi vì sẽ ảnh hưởng tới xu hướng phát triển chung?
- Quan trọng là phải biết được vì sao nhà đầu tư không nộp hồ sơ quy hoạch và mục tiêu của dự án là đầu tư cái gì mới có cơ sở đề xuất thành phố phương án xử lý. Ngoài việc khuyến cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Sở QH-KT đã bố trí cán bộ tới từng địa chỉ của nhà đầu tư để chuyển thông tin trực tiếp tới doanh nghiệp. Nếu quả thực trước nay họ chưa nhận được thông báo của thành phố thì hướng xử lý phải khác. Song yêu cầu cuối cùng ở đây là nhà đầu tư phải nộp hồ sơ quy hoạch để thành phố khớp nối hạ tầng, không thể kéo dài mãi. Bất kỳ việc nào cũng phải có kết thúc. Nếu thực sự họ vẫn trây ỳ không nộp thì phải báo cáo thành phố xử lý thu hồi.
- Đối với những trường hợp cố tình lần lữa, thành phố sẽ chắc chắn thu hồi?
- Đó cũng là một giải pháp. Quy định pháp luật về vấn đề này đã khá rõ. Nếu quá trình rà soát hồ sơ mà phát hiện dự án không triển khai sau 12 tháng được giao đất hoặc thực hiện chậm quá 24 tháng so với tiến độ kế hoạch mà không có lý do chính đáng, các cơ quan chức năng sẽ lập hồ sơ trình UBND TP ra quyết định thu hồi.
Cafeland.vn - (Theo ANTĐ)