"Chúng ta đã và đang chứng kiến sự giảm giá của các dự án căn hộ, song mức giá như hiện nay có phải giá đáy hay không thì không thể biết được”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhận định. Thị trường BĐS đang chứng kiến sự giảm giá căn hộ của hàng loạt đại gia, thậm chí nhiều dự án giảm giá 50% so với giá khởi điểm.
Các điểm tư vấn, giao dịch bất động sản vắng khách
Từ đầu tháng 9 đến nay giới kinh doanh BĐS tại TPHCM giảm giá sâu ở nhiều dự án. Đơn cử, Công ty Cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt công bố giảm giá 50% giá căn hộ tại dự án khu biệt thự ven sông và nhà phố thương mại thuộc dự án The EverRich 3. Theo đó, thay vì giữ ở mức giá 80-100 triệu đồng/m2 thì giá chào bán dự kiến giảm còn 40 triệu đồng/m2. Tương tự, mấy ngày qua thị trường xôn xao trước thông tin Tập đoàn Novaland công bố mở bán giai đoạn 3 dự án Sunrise City với mức giá giảm khoảng 27 triệu đồng, thay vì gần 50 triệu đồng/m2 như trước đây. Cùng đó, Tập đoàn Novaland cũng "trình làng” các dự án mới: Sunrise City (quận 7), The Prince Residence (quận Phú Nhuận), Tropic Garden và Lexington Residence (quận 2)…, với nhiều chương trình khuyến mãi cho khách hàng. Cụ thể, khách hàng sẽ nhận được "ưu đãi vàng” từ 130-600 triệu đồng khi đặt mua căn hộ của bất kỳ dự án nào của Novaland từ ngày 18-9 đến ngày 18-10. Riêng phân khúc căn hộ bình dân, Công ty cổ phần đầu tư Chương Dương cũng lên kế hoạch giảm giá từ 10-12% tại dự án Tân Hương Tower (quận Tân Phú). Lý giải về việc giảm giá nêu trên, đại diện Công ty này khẳng định, giảm giá để tạo thanh khoản tài chính và tạo nguồn thu.
Như vậy, chưa bao giờ thị trường BĐS phải hạ giá thành sản phẩm như trong đợt này. Khó khăn kéo dài khiến nhiều DN kiệt sức. Để tồn tại, không ít DN chấp nhận hy sinh lợi nhuận bằng cách giảm giá căn hộ. Đối với căn hộ trung bình giá giảm 10-20%, cao cấp giảm 40-50%, tuy thế dự báo giá căn hộ giảm vẫn chưa có điểm dừng.
Nguồn cung cao trong khi khách hàng vẫn "thắt lưng buộc bụng” buộc DN phải cạnh tranh với nhau để cho ra mức giá được nhất. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Đực, giá BĐS giảm là do DN muốn tồn tại bằng cách mua lại những dự án "chết” để hoàn thiện và bán giảm giá với mức lợi nhuận chỉ dao động từ 3-5%. Điển hình như: Hưng Thịnh, Novaland, Thanh Yến… "Từ đây về sau DN sẽ không mua đất giá cao, không chịu lãi ngân hàng cao mà chuyển qua mua lại dự án "chết” để hồi sinh lại với mức giá chấp nhận được vì giá càng cao thị trường càng chê. Mô hình mua lại các dự án "chết” giúp DN tạo việc làm, xây dựng thương hiệu, đồng thời vực dậy thị trường một cách tốt hơn”, ông Đực nhận định.
BĐS đã qua quá nhiều "cơn nóng lạnh”, nói là giảm giá bán nhưng người ta vẫn có nhiều thắc mắc về giá trị thực của căn hộ. Theo đó, sự giảm giá của các dự án căn hộ hiện nay có phải đã đạt giá đáy hay không thì không thể biết được. Theo TS Đinh Thế Hiển, có thể giá căn hộ cao cấp còn giảm sâu nhưng phân khúc trung cấp thì đã dừng lại. Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng giá BĐS tiếp tục giảm nhưng đang đi ngang theo hình chữ U chứ không phải chữ V và thị trường tiếp tục chờ đợi giảm nữa. Nhận định về tín hiệu thị trường BĐS trong những tháng cuối năm, hầu hết các chuyên gia kinh tế dự đoán, không có sự đột biến ở thị trường này vì tín dụng tăng thấp, lạm phát được kéo giảm nhưng tăng trưởng không có tính đột phá.
Thanh Giang (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.