Tại mục tin bán đất liền kề, biệt thự của trang rao vặt lớn, hàng trăm tin đăng bán đất nền có gắn dấu sao nhấp nháy với mức giá “sốc”. Chủ một lô đất liền kề (số điện thoại 0919.302.8xx) Dự án Khu nhà ở Hoàng Vân (Mê Linh, Hà Nội), ngay cạnh Khu đô thị Cienco 5 (Mê Linh) rao bán lô liền kề với mức giá 13 triệu đồng/m2 (bao gồm cả phí sang tên với chủ đầu tư). Mức giá này giảm khoảng 4 triệu đồng/m2 so với thời điểm giữa năm 2011.
Chủ
một lô đất liền kề khác (điện thoại 0988.6769xx) tại Dự án Hưng Nga (Mê
Linh, Hà Nội) do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hưng Nga làm chủ
đầu tư nằm ngay sau Khu công nghiệp Quang Minh rao bán 12 triệu đồng/m2
(đã đóng 90%, có thương lượng), mặt bằng san lấp 100%, cơ sở hạ tầng thi
công 85%. Mức giá này đã giảm khoảng 5 triệu đồng/m2 so với thời điểm
đầu năm 2011.
Chưa
hết, một chủ đất khác (số điện thoại 09143577xx) còn đăng tin “cần
tiền, bán gấp” đất Dự án Chi Đông - Mê Linh chỉ 7 triệu đồng/m2, trong
khi giá gốc của chủ đầu tư rao bán là 11 triệu đồng/m2.
Đây chỉ là 3 trong số hàng trăm lô đất biệt thự, liền kề tại các dự án khu vực Mê Linh (Hà Nội) đang rao bán với mức giảm giá 20 - 30% so với thời điểm giữa năm 2011. Đây cũng là khu vực được giới đầu cơ “thổi giá” mạnh nhất từ đầu năm 2010.
Giá
đất nền khu vực phía Tây Hà Nội như Vân Canh, Kim Chung - Di Trạch, Bắc
An Khánh, Nam An Khánh… cũng giảm hàng chục triệu đồng/m2. Giữa năm
2011, đất nền tại Khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco vẫn được giao bán
với mức giá trên 50 triệu đồng/m2, nay giảm xuống chỉ còn 39 - 40 triệu
đồng/m2. Đất nền Nam An Khánh đang rao bán hàng loạt với mức giá 30 - 32
triệu đồng/m2. Mặc dù đã giảm giá, khuyến mãi, nhưng các chủ đất vẫn
không tìm được khách mua. Hầu hết các lô đất đều đã đóng 40 - 70% giá
trị cho chủ đầu tư, hoặc cần tiền phải bán tháo, hoặc không có tiền đóng
tiếp cho chủ đầu tư cũng buộc phải rao bán. Một tay buôn bất động sản
tiết lộ: “Hiện tại, nhiều chủ đất các dự án khu vực phía Tây Hà Nội như
Thiên đường Bảo Sơn, Lê Trọng Tấn - Geleximco đang sẵn sàng bán đất nền
với mức giá chỉ 25 - 30 triệu đồng/m2 để thoát thân, nhưng vẫn không có
giao dịch”.
Hiện tại, không có một báo cáo cụ thể nào từ Bộ Xây dựng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản về mối liên hệ giữa sự giảm giá nhanh của thị trường đất nền với sự đổ bể hàng loạt của các đường dây tín dụng “đen”. Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Toản, Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội, sự đổ bể của các đường dây tín dụng “đen” có nguyên nhân do kinh doanh bất động sản, chứng khoán, vàng thua lỗ. Khi ngân hàng không cho vay, người dân đã tự huy động để trả vòng quanh cho nhau, dẫn tới lãi mẹ đẻ lãi con.
Theo
ông Toản, hiện có hàng trăm dự án đóng băng, hàng nghìn căn hộ không
bán được. Đặc biệt, năm 2009 - 2010, giá bất động sản bị thổi lên quá
cao, vượt quá khả năng chi trả, cung và cầu không khớp nhau, dẫn đến các
khu đô thị có hàng trăm biệt thự bị bỏ hoang. Hiện nay, nhiều nhà đầu
tư lớn đã rút khỏi thị trường này, chỉ còn người dân bị mắc kẹt.