Khách hàng "thiệt đơn, thiệt kép"
Trước sức ép của các khách hàng về việc đề nghị giải quyết những nghĩa vụ với chủ đầu tư, Công ty Hạ Long vẫn im hơi lặng tiếng. Đến thời điểm này, khách hàng vẫn không thể liên hệ được với ông Phạm Như Quỳnh - Giám đốc Công ty Hạ Long.
“Ngày trước gặp ông Quỳnh dễ lắm, chỉ cần alô là ông ấy tiếp nhiệt tình. Khách hàng có khúc mắc gì về hợp đồng đều được ông Quỳnh phân tích kỹ và còn đưa cả những hướng dẫn mua bán để khách tham khảo. Bây giờ xảy ra việc thì chẳng thể gặp được ông giám đốc thân thiện ngày ấy” – một khách hàng mua nhà tại CT3 B Trung Văn qua Công ty Hạ Long phân phối chua chát nói.
Khách hàng của Công ty Hạ Long bất lực vì không biết đòi nhà từ ai |
Trong khi khách hàng mong ngóng Công ty Hạ Long trong tuyệt vọng thì ông giám đốc vẫn im hơi lặng tiếng. Đa số khách hàng của Công ty Hạ Long trong thương vụ CT3B Trung Văn đều hoang mang không biết đòi nhà từ ai và từ đâu.
Phân tích kỹ hợp đồng mua bán giữa các bên, Luật sư (LS) Vũ Văn Lợi - Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi cho biết, Công ty Hạ Long có dấu hiệu chiếm dụng vốn. Theo luật sư Lợi, việc chiếm dụng vốn trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp khách hàng với nhau xảy ra thường xuyên, tuy nhiên, Công ty Hạ Long đã mắc phải khá nhiều hành vi vi phạm luật kinh doanh bất động sản.
Điều 5 trong hợp đồng mua bán giữa Công ty Hạ Long và chủ đầu tư Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Hà Nội (Hancic) quy định rõ: Công ty Hạ Long không được bán hàng cho bên thứ ba khi chưa hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng với chủ đầu tư. Trên thực tế, Công ty Hạ Long đã bán căn hộ cho các khách hàng từ lâu và từ điểm này cho thấy Công ty Hạ Long đã vi phạm hợp đồng.
LS Lợi phân tích, nếu dựa trên hợp đồng mua bán đã xảy ra tranh chấp thì thẩm quyền giải quyết là tòa án nhân dân nhưng nếu kiện ngay ra tòa, khách hàng lại là người sẽ bị thiệt hại. Khi đưa vụ việc ra, có thể hợp đồng giữa khách hàng và Hạ Long bị vô hiệu vì Công ty Hạ Long chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Hancic.
Theo quy định, chủ mua nhà chưa phải chủ sở hữu mới chỉ là chủ hợp đồng mua bán. Chủ sở hữu phải là người sang tên, mua bán, đây mới chỉ là hợp đồng nguyên tắc. Theo luật, kết quả vụ kiện sẽ là hoàn trả lại những gì đã nhận, theo hợp đồng người dân đóng tiền sẽ được nhận lại tiền. Trong hợp đồng mua bán giá một m2 chỉ có giá 16,2 triệu đồng nhưng trên thực tế khách hàng đã mua chênh lên rất nhiều. Có khách hàng mua đến 28 triệu đồng/m2. Nếu cứ chiếu theo điều này, khách hàng vẫn là người thiệt nhất.
“Theo tôi, khách hàng của Hạ Long tốt nhất nên kêu gọi sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, gây sức ép tới Công ty Hạ Long thay vì vội đi kiện”, LS Lợi tư vấn.
Công ty Hạ Long chưa làm chủ đã bán nhà?
Nếu chiếu theo hợp đồng mua bán giữa khách hàng và Công ty Hạ Long dễ thấy công ty này vi phạm quy định hợp đồng về thời hạn bàn giao nhà. Khách hàng cũng có thể kiện đòi bồi thường tiến độ chậm. Còn đối với chủ đầu tư, Công Ty Hạ Long vi phạm về nghĩa vụ thanh toán.
Hợp đồng mua bán giữa Hạ Long và Hancic |
"Những vi phạm hợp đồng dân sự trên không đáng lo bằng hành vi Công ty Hạ Long chưa đủ quyền sở hữu nhưng đã thực hiện quyền mua bán. Hành vi này vi phạm vào luật kinh doanh bất động sản" – LS Lợi cho biết.
Còn về khía cạnh pháp lý, LS Lợi cho rằng Công ty Hancic hoàn toàn đứng ngoài cuộc với các hộ dân.
Trong tổng thể, Hancic cũng là người bị hại, là nạn nhân của Công ty Hạ Long. Hancic cũng là người bán nhà nhưng Công ty Hạ Long không trả tiền cho Hancic. Hancic cũng đang tìm cách đòi tiền Công ty Hạ Long.
Trong hợp đồng mua nhà tại CT3 B Trung Văn, Công ty Hạ Long toàn quyền trong giao dịch với khách hàng từ giá cả, mua bán, đối tác. Hancic không giao kèo với các cư dân. Trách nhiệm của Hancic với công dân là ngoài cuộc. Khách hàng và Hancic đều là nạn nhân của trò kinh doanh không sòng phẳng của Công ty Hạ Long – luật sư Lợi cho biết.