Ngay sau khi chính sách phát triển nhà thu nhập thấp được ban hành, trong khi nhiều người hân hoan đón mừng và hy vọng thì các chuyên gia lại lên tiếng cảnh báo về nguy cơ thất bại của mô hình này. Bài 2: Giải pháp căn cơ

“Gập ghềnh” con đường phát triển nhà thu nhập thấp
Ảnh minh họa. Nguồn internet

Nhiều bất cập

Tại thời điểm cuối năm 2010, hàng loạt các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về chính sách xây nhà ở cho người thu nhập thấp được các cơ quan chức năng rầm rộ tổ chức, trong đó, đã xuất hiện những ý kiến phản biện của một số chuyên gia kinh tế. Tại một buổi tọa đàm do VCCI tổ chức, tiến sỹ Lê Duy Hiếu (Viện Kinh tế Việt Nam) đã nhấn mạnh rằng, ở nhiều nước phát triển, với đội ngũ chuyên gia giỏi, qua 200 năm kinh tế thị trường nhưng đều thất bại với mô hình nhà thu nhập thấp như đang triển khai ở Việt Nam. "Tôi không tin là ta có thể làm tốt hơn họ", ông Hiếu nói và còn sẵn sàng "đánh cược" với ai cho rằng chính sách này sẽ thành công.

Ông Hiếu cho rằng, chính sách phát triển nhà thu nhập thấp hiện nay là một sai lầm. "Với giá bán nhà giá thấp hiện nay của chúng ta thì thực tế, người thu nhập thấp đúng nghĩa không thể mua được. Thu nhập thấp mà phải có hàng trăm triệu đồng để mua nhà thì liệu có gọi là thu nhập thấp nữa không? Trên thực tế, chúng ta đã thấy những người thu nhập thấp thực sự không thể có nhà. Khi được suất mua, họ chỉ có thể chuyển nhượng để hưởng một phần chênh lệch chứ thực tế không thể sở hữu nhà", ông Hiếu nói và chỉ rõ: "Đáng lý phải dựa vào thị trường để giải quyết nhu cầu nhà cho người thu nhập thấp thì ta lại dựa vào chính sách của Chính phủ". Cho đến thời điểm này, những cảnh báo của ông Hiếu đã diễn ra trên thực tế.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận, sự khó khăn về tài chính đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung vốn, khiến nhiều dự án dù đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng vẫn giậm chân tại chỗ, hoặc nếu có hoàn thành thì cũng có giá bán quá cao so với khả năng chi trả của đối tượng được thụ hưởng. Hiện nhà ở dành cho người thu nhập thấp có giá chỉ thấp hơn chút ít so với nhà ở thương mại. "Với giá cả nhà và mức lương như hiện nay, người nghèo không thể mua được nhà thu nhập thấp", ông Nam đánh giá.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đưa ra một nhận xét hóm hỉnh rằng, Việt Nam mình "nghèo nhưng chơi sang". Theo ông Nghĩa, để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp thì nhà giá rẻ cần được khuyến khích xây dựng. Tuy nhiên, phi lý ở chỗ, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đua xây nhà diện tích lớn, thiết bị bóng lộn. "Trong khi Trung Quốc chỉ làm 40 - 50 m2/căn thì Việt Nam làm đến 70 m2. Nhà dành cho người thu nhập thấp nhưng bên trong tiện nghi bóng lộn, giá cao ngất, tôi e rằng không có người nghèo nào mua được", ông Nghĩa nói.

Giải pháp căn cơ

Ông Hiếu đề xuất, từ bài học của các nước đi trước, chúng ta cần làm cho thị trường bất động sản lành mạnh lên. "Người ta tháo gỡ chính sách để giá đất ứng với thực tế thu nhập của người lao động. Thị trường lành mạnh sẽ kéo giá bất động sản xuống, khi đó mới có cơ sở để bán nhà giá thấp. Sau đó họ mới tính đến chuyện hỗ trợ lãi suất, cho vay mua nhà... Sau khi giá đất giảm xuống thì họ khơi thông cơ chế chính sách để tăng nguồn cung nhà", ông Hiếu nói. Ngoài ra, theo ông Hiếu, ta nên chuyển từ nhà sở hữu vĩnh viễn sang hình thức nhà cho thuê. Những người thu nhập thấp thường là những người có việc làm không ổn định. Vì vậy, cần tạo điều kiện ở 2 phương diện, cho họ có thu nhập và cho họ các loại hình nhà phù hợp với thu nhập, mà nhà cho thuê là một lựa chọn tốt.

Đồng tình với quan điểm trên, tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, phải tạo ra một thị trường bất động sản minh bạch và ở đó, người thu nhập thấp được sự hỗ trợ tài chính sẽ chọn mua những căn hộ phù hợp với khả năng của mình, không nhất thiết phải là nhà giá rẻ. Cũng theo ông Liêm, cần phải có cách làm với chính sách phát triển nhà thu nhập thấp, thay vì hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chúng ta nên tập trung các giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao khả năng tài chính cho người thu nhập thấp. Và có chăng thì những dự án nhà thu nhập thấp nên do các quỹ phát triển nhà ở của nhà nước hoặc các tổ chức tài chính phi lợi nhuận triển khai. "Thậm chí, nhà nước có thể phát triển các dự án nhà ở rồi cho người thu nhập thấp thuê lại với giá rẻ", ông Liêm nhấn mạnh.

Ở góc nhìn của nhà quản lý, ông Nam cho rằng, để giải bài toán nhà thu nhập thấp, Nhà nước và doanh nghiệp cần có giải pháp kéo giá nhà xuống, bằng cách ưu đãi chính sách, điều chỉnh quy mô diện tích và độ hoàn thiện của căn nhà ở mức hợp lý, đồng thời, phải nâng dần thu nhập, mức sống của người dân…

Theo M.Nhật (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.