14/03/2022 8:12 AM
Đoạn đường Vành đai 3 dài 12,75km băng qua TP. Thủ Đức kết nối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với nút giao Tân Vạn sẽ được xây dựng trên cao để phù hợp với địa chất, địa hình của khu vực và giúp giảm chi phí giải phóng mặt bằng.

Minh họa

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP), sau khi tính toán thì đã thống nhất chọn phương án xây dựng đường Vành đai 3 theo hướng cơ bản là đi thấp (hơn 53km) còn lại đoạn dài 12,75km sẽ đi trên cao. Hai phương án là đi thấp toàn bộ hoặc đi cao toàn bộ không phù hợp.

Cụ thể, đoạn 12,75km băng qua TP. Thủ Đức kết nối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với nút giao Tân Vạn sẽ đi trên cao. Phương án này sẽ phù hợp với địa chất, địa hình, giúp tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, làm tăng hiệu quả khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến đường.

Theo quy hoạch dự án Vành đai 3 dài hơn 90 km chạy qua TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, chia làm 4 đoạn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức.

Tuyến đường Vành đai 3 là dự án giao thông quan trọng giúp kết nối các đầu mối giao thông huyết mạch trong khu vực như cao tốc TP.HCM – Trung Lương, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, quốc lộ 1 và 22.

Dù được quy hoạch xây dựng từ hơn 10 năm trước nhưng đến nay dự án chỉ mới hoàn thành được một phần nhỏ. Cụ thể, chỉ có đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn dài 16km là hoàn thành đưa vào sử dụng, các đoạn còn lại chưa thể khởi công do nhiều vướng mắc, trong đó có giải phóng mặt bằng.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.